Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

NHO-QSCERT CHỨNG NHẬN VIETGAP CHÈ CHO HTX BA TRẠI VÀ HTX LONG PHÚ, HÀ NỘI

Từ đây, sản phẩm chè của HTX Long Phú và HTX Ba Trại được biết đến là sản phẩm sạch, an toàn đối với người tiêu dùng, và có thêm cơ hội tạo lập thương hiệu đối với thị trường chè trong nước cũng như nước ngoài.

Đại diện Tổ chức NHO, Phó Giám Đốc kinh doanh Ông Hoàng Văn Côn và đại diện Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội trao chứng nhận VietGAP cho đại diện của 2 HTX.

Tham dự hội nghị lần này có Ông Hoàng Văn Côn, PGĐ Kinh doanh tổ chức NHO, đồng chí Ngô Đại Ngọc, PGĐ Sở NN&PTNT, đồng chí Đặng Văn Thư – Phó Viện trưởng viện nghiên cứu Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, đại diện phòng trồng trọt, kế hoạch đầu tư, tài chính kế hoạch sở NN&PTNT, Chi Cục Bảo Vệ Thực Vật, Trung Tâm Khuyến Nông Hà Nội, Trung Tâm Phân Tích Và Chứng Nhận Chất Lượng Sản Phẩm Hà Nội, Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại Hà Nội. Hội nghị cũng đã nghe phía Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn tham vấn những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp nông thôn;  Những tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân đối với quy trình trồng, chăm bón, thu hái cũng như khâu chế biến, tiêu thụ chè.

Toàn cảnh hội nghị

Theo thống kê, diện tích chè cả nước năm 2015 đạt khoảng 132 nghìn ha (tăng 4,4 nghìn ha (3,4 %) so năm 2011, trong đó diện tích chè kinh doanh là 115 nghìn ha. Hiện nay Lâm Đồng vẫn là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 21,9 nghìn ha, Thái Nguyên 20,8 nghìn ha, Hà Giang 20,5 nghìn ha, Phú Thọ 16,3 nghìn ha, Yên Bái 11,5 ha.

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, sản phẩm chè xuất khẩu chủ yếu là chè đen, chè xanh, chè ô long, chè nhài, chè đen OTC… với các thị trường chủ lực là Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc, LB Nga, Mỹ, Indonesia…

Mô hình chè VietGAP tại thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội

Mặc dù là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới (sau Kenya, Sri Lanka, Trung Quốc, Ấn Độ) và giá chè có tăng nhưng Việt Nam vẫn đang là một trong những nước có giá chè xuất khẩu thấp nhất. Hiện nay xuất khẩu chè đang có dấu hiệu sụt giảm, khối lượng xuất khẩu chè 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 65 nghìn tấn với giá trị đạt 111 triệu USD, giảm 8,9 % về khối lượng và giảm 5,7 % về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân chính là mất an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt, bên cạnh đó sản xuất chè hiện nay còn nhiều hạn chế về cơ cấu giống, kỹ thuật thâm canh, công nghệ thiết bị chế biến và khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Chưa gắn giữa chế biến với sản xuất nguyên liệu, nhiều cơ sở chế biến chè không có vùng nguyên liệu, thường không quan tâm đến kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là về an toàn thực phẩm. Việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh cho chè ở nhiều nơi còn khá tuỳ tiện, không đảm bảo thời gian cách ly…còn phổ biến ở nhiều vùng chè. Đây là vấn đề rất bức xúc trong sản xuất cần sớm khắc phục để có sản phẩm chè an toàn.

Vì vậy để ngành chè phát triển bền vững trước hết phải quy hoạch sản xuất, chế biến chè gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn, là cơ sở để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng của ngành chè trong thời gian tới. Tổ chức sản xuất chè an toàn bằng việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) nhằm tạo ra vùng nguyên liệu chè đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Không những thế, việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Dù năng suất chè búp tươi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không cao hơn so với diện tích chè ngoài mô hình nhưng sản phẩm chè búp khô sẽ không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đạt tiêu chuẩn theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định.

Tham khảo thêm tại:

http://www.kinhtedothi.vn/song-khoe/chung-tay-vi-an-toan-thuc-pham/2016/05/810344FB/ha-noi-co-them-2-san-pham-che-an-toan-vietgap/

http://quocoai.hanoi.gov.vn/nong-nghiep-nong-thon1/-/news/4CErIAMN1jH4/1/428402.html

Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo