Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN
Theo số liệu báo cáo, năm 2020 Cục SHTT đã tiếp nhận hơn 125 nghìn đơn đăng ký tăng trên 4% so với năm 2019; trong đó có hơn 76 nghìn đơn đăng ký xác lập quyền SHCN tăng hơn 1,3% so với năm 2019 và hơn 49 nghìn đơn hoặc yêu cầu về sửa đổi đơn, chuyển nhượng đơn, cấp lại văn bằng bảo hộ, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ... điều này cho thấy sở hữu trí tuệ đang trở thành vấn đề quan trọng đối với việc tạo dựng thương hiệu, tăng tính cạnh tranh cho hàng hoá nông sản. Tính đến năm 2020, có 42 tỉnh/thành phố đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; có hơn một nghìn sản phẩm OCOP được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hàng nghìn lớp tập huấn, đào tạo và chương trình truyền thông về SHTT được thực hiện.
Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2021
Tham gia đóng góp ý kiến cho các nội dung trong khuôn khổ Hội nghị, ông Trần Thế Như Hiệp – Phó Viện trưởng Viện KH&CN Mekong Cần Thơ đã chia sẻ, thảo luận về kết quả hoạt động SHTT cho rằng: công tác quản lý nhà nước về SHCN của các địa phương trong năm 2020 đã đạt được những thành quả nhất định, trong đó có thể kể đến các mặt công tác đạt được hiệu quả tốt, như hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHCN, hoạt động tư vấn, hướng dẫn việc đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHCN, công tác thực thi, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHCN và công tác khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Sơn La, Hà Tĩnh, Cần Thơ, An Giang, Lâm Đồng, Bắc Giang, Hà Nội, Lào Cai, Bình Định, Kon Tum... đã thực hiện công tác quản lý nhà nước về SHCN đạt kết quả tốt; góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ông Hiệp đề xuất kiến nghị trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2020 và phân tích những thuận lợi, khó khăn, trong năm 2021, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT cùng các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục hỗ trợ các địa phương triển khai có hiệu quả Chiến lược SHTT đến năm 2030; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ các đơn vị đăng ký sở hữu trí tuệ.
Ở khía cạnh hỗ trợ hàng hoá tham gia thị trường quốc tế, chuyên gia của NHO cho rằng vẫn còn một số bất cập, mâu thuẫn trong quy định của luật SHTT của Việt Nam và quốc tế, cách thức quản lý thực thi quyền SHTT ở Việt Nam còn lỏng lẻo. Ở Việt Nam, mặc dù đã có quy định về việc thực thi quyền SHTT nhưng việc thực thi bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng và quản lý việc sử dụng, ghi nhãn nguồn gốc xuất xứ chưa thật sự hiệu quả dẫn đến nhiều doanh nghiệp được bảo hộ bị thiệt thòi. Do đó, cần phải hoàn thiện các chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế; xoá bỏ các thủ tục rườm rà, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho các hoạt động bảo hộ quyền SHTT theo hướng thị trường, phù hợp với các cam kết quốc tế nói chung.
Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến & phát triển thị trường nông sản năm 2021
Ông Hoàng Bá Nghị trả lời phỏng vấn của phóng viên truyền hình VTV9
Trả lời phỏng vấn của phóng viên truyền hình VTV9 tại Hội nghị Xúc tiến thị trường nông sản do Bộ Nông nghiệp &PTNT, Bộ KH&CN tổ chức ông Hoàng Bá Nghị - Tổng Giám đốc Công ty TNHH NHONHO cho rằng: để tránh các trường hợp bị tranh chấp thương hiệu đáng tiếc như gạo ST 24, 25 bị các doanh nghiệp của Hoa Kỳ nộp đơn đăng ký tại Hoa Kỳ (và cả Việt Nam) dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu được loại gạo này vào thị trường Hoa Kỳ. Ông Nghị nhấn mạnh các doanh nghiệp cần biết rằng mỗi một quốc gia đều có một hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền SHTT mà các nhà xuất khẩu tiềm năng cần phải tìm hiểu rõ. Tốt hơn cả là các nhà xuất khẩu tiềm năng cần tìm đến các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này trước khi xuất khẩu sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Khi nghiên cứu thị trường xuất khẩu, một trong số những yếu tố quan trọng nhất là phải hiểu được các quy định về bảo hộ quyền SHTT ở thị trường xuất khẩu, bởi trước khi xuất khẩu các doanh nghiệp ít nhất phải bảo đảm rằng sản phẩm của mình tuân thủ các quy định về bảo hộ quyền SHTT ở thị trường xuất khẩu và không xâm phạm quyền SHTT của người khác trên thị trường đó. Theo đó, ông Hiệp cho rằng: mỗi doanh nghiệp cần lựa chọn cách thức để bảo hộ một cách hiệu quả nhất để tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm hoặc thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình. Ông Nghị cũng khuyến nghị các cơ quan nhà nước cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng và loại thế ở địa phương thay vì đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT - Ông Lê Minh Hoan ghé thăm gian hàng trưng bày của NHO tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến & phát triển thị trường nông sản năm 2021
Ông Hoàng Bá Nghị giới thiệu sản phẩm sầu riêng Tân Thới trong đề tài xây dựng sở hữu trí tuệ được thực hiện bởi NHO với Bộ trưởng Bộ KHCN - Ông Huỳnh Thành Đạt
Trong năm 2020, tổ chức NHO đã tư vấn và hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, địa phương đăng ký chỉ dẫn địa lý như vịt bầu cổ xanh ở Bắc Kạn, chôm chôm ở Bến Tre, nhãn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu..; đăng ký nhãn hiệu tập thể cho Rau màu ở An Sơn huyện Đắk Pơ tỉnh Gia Lai; nhãn hiệu tập thể cho mận máu ở Hoàng Su Phì,.. đặc biệt là tư vấn thiết kế, đăng ký sở hữu trí tuệ cho hơn 200 sản phẩm OCOP ở khắp 63 tỉnh thành.
Xem thêm: Phóng sự CẦN CHIẾN LƯỢC BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN VIỆT
Bảo Trân