Vốn mạnh về nông sản thô và sau chế biến, Thái Lan là thị trường không dễ để các thực phẩm Việt thâm nhập. Hiện mới có khoảng 5 loại trái cây tươi (thanh long ruột trắng và ruột đỏ, vải, nhãn, xoài) của Việt Nam được xuất sang đây.
Theo ghi nhận của VnExpress tại siêu thị thực phẩm thuộc trung tâm thương mại CentralWorld (Bangkok) hôm 17/11, một số loại trái cây của Việt Nam như thanh long có giá 119 baht (82.000 đồng) một kg; nhãn giá 139 baht (96.000 đồng), khoai lang giá 99 baht (68.000 đồng).
Các thương hiệu thực phẩm đóng gói của Việt Nam cũng vào thị trường này chưa nhiều, hiện có một số loại như Mr.Viet (cà phê), Bibica, Vifon, Trung Nguyên, Vinamit, Hải Bình (hạt điều), ChinsuFoods, Hồ Tiêu Việt...
Năm ngoái, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch cao kỷ lục 19 tỷ USD, tăng 18% so với 2020. Mười tháng đầu năm, kim ngạch thương mại đạt 17,8 tỷ USD, tăng 16,9%. Tuy nhiên, kim ngạch hàng Việt xuất qua Thái Lan mới chiếm khoảng một phần ba số này.
Dù vậy, đã có những triển vọng mới mở ra khi xu hướng tiêu dùng của người Thái thay đổi và mức độ chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt cải thiện qua từng năm. Ông Paul Le, Phó chủ tịch Central Retail Việt Nam, cho biết cơ hội của Việt Nam ở chỗ người Thái ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Đó cũng là lý do khiến những sản phẩm đánh vào tâm lý bảo vệ sức khỏe của các doanh nghiệp Việt tham gia Tuần hàng tại Thái Lan 2022, được chú ý. "Năm nay, chúng tôi đẩy mạnh những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, hữu cơ", ông Paul Le nói.
Theo nghiên cứu thị trường của Mintel (Anh) cuối năm ngoái, 70% người tiêu dùng Thái Lan được hỏi cho biết đang cố gắng ăn uống cân bằng để ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe. Một tỷ lệ tương tự cho biết đang tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có thêm lợi ích sức khỏe.
Tiếp xúc ba nhà thu mua của Thái Lan trong buổi kết nối cung - cầu ngày 17/11, Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Thực phẩm Quảng Thanh, chuyên sản xuất bột rau má, diếp cá, tía tô, chùm ngây, lá sen...cho biết triển vọng rất khả quan. "Người Thái dần nhận thức về sức khỏe nhiều hơn và bột rau má được chào đón. Chúng tôi thấy một bầu trời hy vọng", Hương nói.
Sang Thái Lan lần này, ông Lê Văn Duy, Giám đốc Delta D'Asia, khảo sát vài siêu thị để tìm hiểu thị trường trà thảo dược. "Tôi thấy có xu hướng bày bán các mặt hàng tốt cho sức khỏe trong siêu thị nhưng sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với mình thì chưa có", ông nói và cho biết đã nhận được phản hồi tích cực của một số nhà thu mua về trà sâm cau, trái nhàu của công ty.
Bên cạnh đó, những sản phẩm mang tính độc đáo mà Thái Lan còn thiếu hoặc chưa có cũng dễ có cơ hội thâm nhập hơn. Bột rong nho hay hạt macca là những ví dụ.
Công ty Seagrapes Việt Nam, sở hữu thương hiệu Rong Nho Trường Thọ, nhận được lời mời kết nối từ sáu nhà thu mua trong tổng số 26 đơn vị tham gia buổi kết nối với doanh nghiệp Việt. Phó giám đốc Nguyễn Thị Thanh Thuần cho biết đơn vị đầu tiên gặp công ty đã cân nhắc nhập thử hàng vào đầu năm sau.
"Ở Thái cũng có sản xuất rong nho nhưng mặt hàng này của Việt Nam được các chuyên gia Nhật đánh giá là tốt nhất", bà Thuần cho biết lý do sản phẩm công ty có sức hút.
Với những sản phẩm quen thuộc hơn, Võ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Sales & Marketing công ty chuyên về gia vị, muối chấm Dh Foods, cũng thấy có cơ hội nhờ những dòng sản phẩm đặc trưng. "Thái Lan là thiên đường ẩm thực và đồ ăn, kể cả gia vị. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có lợi thế và cung cấp thêm những sản phẩm đặc trưng riêng", Thanh Huyền nhận định.
Ngoài ra, cánh cửa vào thị trường Thái rộng đến đâu còn phụ thuộc vào độ chuyên nghiệp của những doanh nghiệp đó, từ chất lượng đến bao bì và sẵn sàng các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết. Vì vậy, những tên tuổi có kinh nghiệm xuất khẩu quốc tế sẽ có nhiều cơ hội.
Bản thân Dh Foods đã xuất khẩu được 10 thị trường trong đó có Nhật, Anh, Australia. "Xuất khẩu của chúng tôi sang các nước này đang tăng đáng kể nên cũng có kinh nghiệm làm hàng chỉnh chu hơn", Huyền nói.
Hay như thương hiệu Rong Nho Trường Thọ có thị trường chủ lực là Mỹ, bên cạnh các thị trường Đức, Anh, Pháp. Chỉ riêng doanh thu trên kênh Amazon đã mang về cho công ty này doanh thu hàng triệu USD mỗi năm...
Dù đã chinh phục được một số thị trường xa và khó tính, một số nhà sản xuất cho rằng thị trường Thái vẫn rất quan trọng. Bà Thanh Thuần cho hay việc gặp gỡ các nhà thu mua Thái Lan sẽ giúp sản phẩm có tiềm năng được họ kết nối đi đến những thị trường quốc tế khác.
Trong khi đó, ông Lê Văn Duy, Giám đốc Delta D'Asia, coi trọng ngành du lịch Thái. "Tỷ lệ khách quay lại đây cao nếu họ đến nhiều thì sự lan tỏa từ đây cho sản phẩm của mình rất tốt", ông Duy phân tích.
Cơ hội là có nhưng hành trình thâm nhập vẫn sẽ không dễ dàng. Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh quốc tế của TH cho biết các loại đồ uống hữu cơ và thảo dược của công ty được các nhà thu mua quan tâm. "Tuy nhiên, cái khó là thuế nhập khẩu khá cao", bà Thủy chia sẻ.
Để ứng phó, công ty bà dự tính chi một khoản ngân sách cho tiếp thị kích thích nhu cầu. Còn theo Nguyễn Thị Nguyên Phương, thách thức này có thể vượt qua nếu sản phẩm đủ tốt và hấp dẫn để người tiêu dùng sẵn sàng chi trả.
Ngày 16/11, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nhân chuyến thăm nước này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Thái hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và tạo thuận lợi cho hàng nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường.
Hai bên cũng đã cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn.
Cơ hội đang đến, thách thức cũng dần có hướng tháo gỡ, điều phải lưu ý lúc này theo ông Paul Lê là các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm chế biến hơn, phát huy sự tự tin sẵn có. "5 năm nay với chương trình Tuần hàng, doanh nghiệp Việt đã có những thay đổi lớn. Họ không còn e ngại, thay vào đó là sự tự tin và đã có thể kể được câu chuyện của sản phẩm mình", ông Paul Lê nhận xét.