Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

Di Linh: Đánh giá và phân hạng sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đợt 2 năm 2024

Sáng 30/12/2024, Ủy ban nhân dân huyện Di Linh đã tổ chức họp đánh giá và phân hạng sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đợt 2 năm 2024. Về dự và chỉ đạo có đồng chí Trần Nhật Thi – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Di Linh giai đoạn 2023 – 2025.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Di Linh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm nhằm xây dựng nền nông nghiệp địa phương từng bước ổn định và phát triển bền vững. Trước kỳ đánh giá, phân hạng lần này, huyện Di Linh đã có 36 sản phẩm tại 16 xã, thị trấn được công nhận sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên; tạo tiền đề cho việc tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, quảng bá thương hiệu, nhất là thương hiệu cà phê Di Linh.

Tại buổi đánh giá, phân hạng đợt này có 08 chủ thể và 11 sản phẩm tham gia đánh giá, do Công ty TNHH Công nghệ NHONHO là đơn vị tư vấn thực hiện trọn gói, bao gồm: Cà phê Hồng Nghĩa của Hộ kinh doanh Vũ Đức Nghĩa; Cà phê Hùng Bưởi của Hộ kinh doanh Cơ sở rang xay cà phê Hùng Bưởi - mua bán cà phê - mắc ca (Best Friend cofee); Mắc ca Nguyễn Dung của Hộ kinh doanh Hoàng Minh Chiến; Chuối sứ xanh sấy giòn và Bắp non sấy mộc của Hộ kinh doanh Bùi Thị Mai; Sầu riêng của Tổ hợp tác Sầu riêng Đồng Nai II Tân Thượng; Bánh Quy macca của Hợp tác xã Kinh doanh thương mại dịch vụ chế biến nông sản DiLin; Dâu tây tươi và Mứt dâu tây của Hộ kinh doanh Vũ Thị Thúy Ngọc; Bơ An Phát và Sầu riêng An Phát của Hộ Kinh doanh Nguyễn Thị Sợi.

Các sản phẩm tham gia phân hạng, đánh giá do Công ty NHONHO tư vấn thực hiện

Qua kiểm tra, đánh giá, tất cả các sản phẩm đưa ra phân hạng đợt này đều đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều an toàn thực phẩm; có nguồn nguyên liệu rõ ràng; có bản tự công bố chất lượng sản phẩm, phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố; có số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, có văn bản đăng ký môi trường cho dự án, cơ sở đầu tư… Kết quả, các sản phẩm đều được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đánh giá cao và đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; trong đó có 03 sản phẩm tiệm cận với tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Như vậy, tính cả 11 sản phẩm của đợt phân loại này, huyện Di Linh đã có 47 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Nhật Thi thay mặt lãnh đạo UBND huyện đánh giá cao tinh thần làm việc khách quan, công khai, minh bạch của Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của huyện; biểu dương cấp ủy, chính quyền các địa phương và chủ thể sản xuất kinh doanh đã nỗ lực xây dựng sản phẩm đạt sản phẩm OCOP. Đồng chí mong rằng, trong thời gian tới các địa phương và các chủ thể tiếp tục phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện hoàn thiện hồ sơ để Hội đồng đánh giá trình UBND huyện công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện, đồng thời, tiếp tục đổi mới cách thức quảng bá, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, chuyển dần sản xuất theo hướng kinh tế thị trường, tạo hướng đi mới trong kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, xây dựng thương hiệu nông sản Di Linh nói riêng và nền sản xuất nông nghiệp của huyện nói chúng ngày càng phát triển bền vững, hiệu quả.

Đồng chí Trần Nhật Thi phát biểu tại buổi làm việc.

Nguồn Báo Lâm Đồng

Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo