Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cuộc chuyển đổi tư duy của ngành nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cần phải có tầm nhìn dài hơn, xây dựng mối liên kết chuỗi ngành hàng bền vững, liên kết doanh nghiệp tạo ra thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ để từ đó thay đổi diện mạo của cả ngành nông nghiệp.

Những năm qua, ngành nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP nông nghiệp năm 2023 ước đạt tới 3,83%, là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn duy trì ở mức cao với 10 nhóm ngành hàng có trị giá xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên.

Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo với tổng giá trị 4,8 tỷ USD. Có 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 tỉnh/thành phố có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề "xanh hóa" trong nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế của người nông dân, doanh nghiệp…

Diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam đạt trung bình 0,27 ha/người, trong khi đó Thái Lan là 0,56 ha/người. Còn tại các nước ở châu Âu tỷ lệ này lên tới 7 - 10 ha bình quân 1 hộ sản xuất. Thực tế là, quy mô càng nhỏ, chi phí sẽ càng lớn.

Đối với thách thức này, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại Hội nghị Đối thoại nông dân Việt Nam năm 2023 vào cuối tháng 12/2023, nông nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được nếu không liên kết từ những mảnh vườn nhỏ để trở thành một đại điền lớn. “Nếu người nông dân không có năng lực, không cùng nhau ngồi vào một bàn tròn kinh tế tập thể thì rất khó phát triển”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Theo Bộ trưởng, nếu nông dân liên kết được và hợp tác xã đủ mạnh thì cộng đồng doanh nghiệp luôn sẵn sàng tạo ra những vùng nguyên liệu, ví dụ như cà phê Tây Nguyên, doanh nghiệp sẽ đầu tư hỗ trợ thêm về máy móc cơ giới, kho dự trữ cà phê… Doanh nghiệp cũng là người đưa nông sản ra thị trường, trong khi đó Nhà nước đóng vai trò cầu nối và tạo ra những điều kiện phù hợp.

Trong cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin với báo chí vào cuối tháng 12/2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, muốn nâng cao giá trị sản phẩm, phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cần phải làm sao để trên một đơn vị diện tích nông nghiệp có thể tạo ra của cải nhiều hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu người nông dân nuôi gì, trồng gì mà chỉ hưởng thu nhập từ sản phẩm đó thì chưa đúng tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Do đó, ngành nông nghiệp cần chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị, tạo ra nhiều ngành nghề khác.

Ngành nông nghiệp sẽ không chỉ đi trên một con đường mà còn cần tích hợp với các ngành, lĩnh vực để đa dạng hóa sản phẩm, mang lại những sản phẩm cao, hướng tăng giá trị kinh tế cho người nông dân.

Bộ trưởng NN&PTNT phân tích, những thứ vô hình chưa khai thác của ngành nông nghiệp có thể mang lại giá trị cao hơn những thứ hữu hình đang có, trồng lúa nhưng không nhất thiết là bán lúa, như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với nông nghiệp tuần hoàn từ thân lúa, vỏ lúa, tro, trấu, đưa ngành lúa gạo thành ngành hàng tích hợp đa giá trị, tuần hoàn.

“Ví dụ, khi làm nông nghiệp du lịch thì người nông dân Đài Loan đã tăng thu nhập gấp 6 – 10 lần, thậm chí đến vài chục lần. Tại Đồng Tháp, làng hoa Sa Đéc xưa toàn đi bán ngày Tết, ngày rằm, giờ cũng đã thu hẹp không gian để làm điểm dừng cho du khách”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ví dụ.


Mặt khác, việc liên kết trong hợp tác xã có thể mang lại giá ưu đãi do mua nhiều, giúp tăng lợi nhuận cho người nông dân. Cần nhìn nhiều chiều hơn về cấu trúc ngành hàng, để có hướng khuyến khích bà con vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung, để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, không phải chỉ từ nông sản nuôi trồng, nhờ đó tránh được sự manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong cuộc gặp gỡ báo chí cuối tháng 12/2023 cũng nêu ra thách thức với ngành nông nghiệp khi thế giới đang biến đổi không ngừng, người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua sản phẩm mà họ còn mua câu chuyện của người nông dân, của một ngành hàng. Họ quan tâm nhiều hơn đến cách sản phẩm đó được tạo ra như thế nào, nguồn gốc sản phẩm có sử dụng lao động trẻ em hay không, có ảnh hưởng môi trường, gây biến đổi khí hậu hay không.

Ngay trong vấn đề IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý), trước khi áp dụng lên các nhà xuất khẩu thủy sản vào Liên minh châu Âu (EU), thị trường này đã bắt buộc các doanh nghiệp nội địa tuân thủ trước. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp nội khối tăng thêm chi phí cho sản phẩm của mình theo quy định thì doanh nghiệp xuất khẩu bên ngoài lại không chịu sức ép của các quy định đó, điều này khiến EU áp dụng lên cả các nước xuất khẩu để tạo ra luật chơi công bằng hơn.

Hay trong vấn đề quy định không phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), hiện tại thị trường nhập khẩu sẽ truy xuất nguồn gốc gỗ, cà phê, cao su của Việt Nam có liên quan đến phá rừng hay không. Trong tương lai, EU sẽ tiếp tục truy xuất tới nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu về vấn đề này. Những điều này đặt ra vấn đề buộc người nông dân cần thay đổi để bắt kịp xu hướng đó.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, nông nghiệp Việt Nam đang chậm nhịp so với thế giới. Việt Nam tự hào với những sản phẩm nông sản ngon như cà phê, xoài…, nhưng chất lượng không phải là yếu tố quyết định, mà chỉ là điều kiện cần khi độ ngon sẽ phụ thuộc vào văn hóa tiêu dùng của mỗi quốc gia. Do đó nếu chậm thay đổi trong khi các thị trường khác vẫn phát triển thì sản xuất nông nghiệp Việt Nam sẽ bị tụt hậu so với các nước khác.

Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo