Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

Tuân thủ nghiêm quy định mã số vùng trồng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Trong khi xuất khẩu (XK) nhiều mặt hàng trong những tháng đầu năm bị sụt giảm nghiêm trọng, thì ngành rau quả XK đã có kim ngạch XK đảo chiều với những tín hiệu tích cực. Tính đến ngày 20/4, XK rau quả của Việt Nam tăng hơn 20% cùng kỳ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, kết quả này là nhờ sự nỗ lực trong việc mở cửa thị trường, đặc biệt một số mặt hàng như sầu riêng vào Trung Quốc, bưởi vào Mỹ, nhãn vào Nhật...

Các thị trường xuất khẩu đòi hỏi trái cây phải đáp ứng tiêu chuẩn về mã số vùng trồng

XK rau quả trong năm 2023 đã được tháo gỡ rất nhiều, lý do Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách zero covid, mở cửa 100% cho nông sản XK theo dạng chính ngạch, theo nghị định thư. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, mặc dù thị trường Trung Quốc đã tháo gỡ những rào cản, nhưng việc XK nông sản của doanh nghiệp vào thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, có những mặt hàng XK chính ngạch nhưng chưa có nghị định thư sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của XK; tỷ lệ XK rau quả tiểu ngạch vào Trung Quốc còn nhiều.

Không riêng thị trường Trung Quốc, hiện có rất nhiều thị trường nhập khẩu (NK) nông sản đều yêu cầu doanh nghiệp XK phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là tình trạng không đáp ứng được yêu cầu của thị trường NK ngày càng nhiều, ảnh hưởng tới hình ảnh nông sản Việt. Theo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước có 6.439 vùng trồng ở 53/63 tỉnh, thành và 1.618 cơ sở đóng gói tại 33 địa phương được cấp mã số XK. Hiện có 25 sản phẩm được cấp mã số như: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, khoai lang…  XK đi 11 thị trường gồm: Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia và Singapore.

Có thể nói, mã số XK đã trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường NK. Việc không tuân thủ nghiêm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đặt ra nhiều thách thức đối với việc XK sản phẩm trồng trọt của Việt Nam, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ bị dừng XK toàn ngành hàng. Tuy nhiên, điều đáng lo bên cạnh việc nhiều mã số được cấp mới thì có hơn 700 mã số vùng trồng bị thu hồi, trong đó phần lớn là các mã số vùng trồng XK đi thị trường Trung Quốc do không đáp ứng yêu cầu về chất lượng kỹ thuật.

Liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề này thì khả năng XK sầu riêng đạt trên tỷ USD vào thị trường Trung Quốc sẽ khó. Vì vậy, trước mắt kiến nghị các bộ, ngành, phải tăng mã số vùng trồng lên. Muốn vậy thì cán bộ kiểm dịch thực vật, các địa phương, phải có hướng dẫn sâu sát với bà con nông dân trong việc thực hành nông nghiệp tốt, để khi Hải quan Trung Quốc kiểm tra thì đảm bảo 100% vùng trồng phải đạt, từ đó chúng ta mới có khả năng đẩy mạnh XK.

Hiện nay, ngoài việc quản lý lỏng lẻo mã số vùng trồng thì việc quản lý chất lượng sản phẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức, khiến ngành rau quả dần đánh mất thị trường. Theo Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân cơ bản mà khu vực nông lâm thủy sản không XK chính ngạch nhiều, hoặc nếu XK chính ngạch thì chất lượng không mấy ổn định, bởi có tình trạng những lô hàng XK lúc đầu thì tốt, nhưng những lô hàng XK sau đó thì chất lượng kém hơn.

Theo Bộ Công Thương, rau quả XK quý 1 đạt 982 triệu USD, tăng 16,2% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc. XK sang Trung Quốc đạt 576 triệu USD, tăng 27,4%. Trong thời gian tới, nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA mang lại, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương tiến hành đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường XK cho các mặt hàng rau quả  khác cuả Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chú trọng phát triển dịch vụ logistics, đặc biệt là logistics cho hoạt động XK nông sản tại khu vực ĐBSCL. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa XNK tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới Việt Nam - Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ. Đặc biệt, có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang XK chính ngạch.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ NN&PTNT khẳng định, về vấn đề quản lý các vùng trồng cũng như quản lý chất lượng sản phẩm, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo chặt chẽ Cục Trồng trọt phối hợp với địa phương thực hiện, để đảm bảo chất lượng sản phẩm XK.

Nguồn CAND

Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo