Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

Trấn Yên chuẩn hóa, tiếp cận thị trường xuất khẩu các sản phẩm OCOP

Đánh thức tiềm năng và đưa nhiều nông đặc sản địa phương rộng mở thị trường, Trấn Yên (Yên Bái) đang tiến tới chuẩn hóa các sản phẩm OCOP, tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Rộng mở cơ hội nhờ tham gia chương trình OCOP

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”(OCOP), huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) đã và đang tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các sản phẩm nông sản đặc trưng thành sản phẩm OCOP. Qua hơn 3 năm triển khai, chương trình OCOP đã thật sự lan tỏa trên khắp địa bàn huyện, các sản phẩm nông nghiệp phát triển theo hướng gia tăng giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống dân cư.

Hợp tác xã (HTX) Khởi nghiệp xanh Toàn Nga (xã Quy Mông) chuyên sản xuất các sản phẩm miến dong từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Với những kỹ thuật, sáng tạo riêng về nguyên liệu và chế biến, sản phẩm miến dong của HTX có hương vị, mẫu mã riêng để tạo dựng chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Ông Nguyễn Thành Lê (phải), Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thăm mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc công nghệ cao ở xã Báo Đáp. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Đỗ Danh Toàn, Giám đốc HTX Khởi nghiệp xanh Toàn Nga chia sẻ: “Sản xuất miến dong phải tuân thủ các quy tắc như không dùng hóa chất tẩy trắng, không pha phẩm màu, không chất bảo quản, phơi miến tự nhiên dưới trời nắng dịu để sợi khô dần.

Khi ăn, sợi miến không cứng, có độ giòn tự nhiên, thơm mùi dong riềng. Hiện nay, sản phẩm miến tráng thái của chúng tôi đã được công nhận đạt tiêu chí OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. Sản phẩm không chỉ được các nhiều thương lái đến tận nơi thu mua mà còn được chào bán qua mạng xã hội facebook, kênh bán hàng thương mại điện tử shopee, webside của HTX, đặc biệt, sản phẩm đã nhiều lần tham gia vào các gian hàng hội chợ, các triển lãm quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong vào ngoài tỉnh.

Ông Phùng Tiến Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: Những năm gần đây, xã Quy Mông đã và đang vận động người dân mở rộng, phát triển cây dong riềng theo hướng quy mô lớn, gắn với sản xuất hàng hóa từ khâu trồng, chế biến tinh bột đến làm miến dong. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan, áp dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất, hình thành các nhóm, tổ, HTX sản xuất để thuận lợi trong việc xây dựng tư cách pháp nhân, đủ điều kiện vay vốn, quảng bá thương hiệu.

Ông Trần Đông (thứ 2 từ trái sang), Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thăm HTX miến dong Việt Hải Đăng ở xã Quy Mông. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, trong xã đã có 4 cơ sở sản xuất miến dong và đã có 2 sản phẩm của HTX Khởi nghiệp xanh Toàn Nga và HTX Việt Hải Đăng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, giá trị tiêu thụ từ 60.000 – 70.000 đồng/kg. Từ đó đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong khi ở nhiều địa phương việc sản xuất, kinh doanh chè những năm gần đây gặp không ít khó khăn thì ở xã Bảo Hưng (huyện Trấn Yên), người dân đã và đang sống tốt nhờ sản xuất, chế biến chè sạch. Xác định chè là cây có giá trị hàng hóa, có triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã thành lập HTX Sản xuất Chè xanh chất lượng cao để bao tiêu sản phẩm chè búp cho người dân trên địa bàn.

Hiện nay, hơn 150ha chè của xã chủ yếu là chè chất lượng cao được trồng, chăm sóc, thu hái theo tiêu chuẩn chè hữu cơ, VietGAP. Đây là cơ sở để HTX Sản xuất Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng sản xuất ra 2 sản phẩm Trà Bát Tiên đạt tiêu chuẩn OCOP tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao.

Đồng chí Trần Nhật Tân bí thư huyện ủy Trấn Yên và đoàn công tác của huyện thăm HTX chuối sấy xã Việt Thành

Lãnh đạo Huyện ủy Trấn Yên thăm HTX Chuối sấy xã Việt Thành. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Phạm Văn Bàn, Giám đốc HTX Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng, phát triển các sản phẩm Trà Bát Tiên và trà túi lọc Bát Tiên đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX đã được các cấp chính quyền và các ngành hữu quan hỗ trợ xây dựng dự án liên kết chuỗi sản xuất, các thủ tục, quản lý chất lượng, tư vấn từ khâu sản xuất đến khâu hoàn thiện sản phẩm như thiết kế, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì cho sản phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ đây mở ra cơ hội lớn để HTX và người dân địa phương cùng chung tay giữ gìn thương hiệu, mở rộng vùng chuyên canh chè hàng hóa chất lượng theo hướng bền vững”.

 

Chuẩn hóa, tiếp cận và tham gia thị trường xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên cho biết: Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình OCOP, huyện Trấn Yên đã triển khai cho các xã rà soát các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản địa phương và các sản phẩm tiềm năng có thể tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên cơ sở đó tuyên truyền sâu rộng đến các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình và cá nhân đăng ký ý tưởng sản phẩm, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, nâng cao giá trị và tham gia đánh giá, chứng nhận về cấp độ hoàn thiện theo tiêu chí quy định.

Sản phẩm miến dong của HTX Khởi nghiệp xanh xã Quy Mông được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Thanh Tiến.

Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tập trung cải tiến, hoàn thiện về tạo mã QRcode, in nhãn mác, thiết kế bao bì sản phẩm, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng website bán sản phẩm trực tuyến...

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Các xã, thị trấn triển khai Chương trình OCOP theo quy mô khác nhau, đã xây dựng và phát triển nhiều chủng loại sản phẩm hàng hóa đa dạng, thể hiện sự sáng tạo của người dân; các hoạt động hỗ trợ được tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, có chiều sâu. Việc lựa chọn đăng ký sản phẩm, đơn vị tham gia đáp ứng yêu cầu, nội dung của Chương trình.

Các sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng về chủng loại và đều có khả năng phát triển, được chuẩn hóa, nên rất thuận lợi cho việc đánh giá phân hạng sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên đã có 33 sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao, còn lại 31 sản phẩm 3 sao, tiêu biểu như: Quế điếu thuốc của HTX Quế hồi Việt Nam (xã Đào Thịnh), trà Bát Tiên của HTX Chè xanh chất lượng cao xã Bảo Hưng, măng Bát Độ giòn của xã Kiên Thành, mật ong (xã Cường Thịnh), nước tinh khiết (xã Việt Hồng), miến dong (xã Quy Mông), bưởi (xã Hưng Thịnh), rau sạch (xã Y Can)…

Sản phẩm trà Bát Tiên xã Bảo Hưng đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao

Sản phẩm trà Bát Tiên xã Bảo Hưng đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Thanh Tiến.

Các sản phẩm của OCOP của huyện Trấn Yên được khách hàng trong và ngoài tỉnh quan tâm, các nhà phân phối và nhiều đơn vị tham gia đã ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý. Và để các sản phẩm OCOP của huyện tiếp cận được rộng hơn với người tiêu dùng, huyện Trấn Yên đã xây dựng gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản và thực phẩm, sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn lên sàn thương mại điện tử, cung cấp danh sách doanh nghiệp, HTX với tất cả các sản phẩm OCOP để hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Voso.vn, postmart. Tổ chức cho các chủ thể có các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản của huyện.

Ông Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết thêm: Trong giai đoạn tiếp theo, huyện Trấn Yên phấn đấu duy trì, nâng hạng một số sản phẩm tiêu biêu chủ lực, tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm OCOP mới. Ban hành các cơ chế, chính sách theo hướng ưu tiên hỗ trợ khuyến khích phát triển các sản phẩm được chế biến và chế biến sâu; hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP; hỗ trợ để áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, Organic, ISO... vào sản xuất để các sản phẩm OCOP có điều kiện tiếp cận và tham gia vào thị trường xuất khẩu.

IMG_1484

Quế hữu cơ là một trong những sản phẩm OCOP rộng đường xuất khẩu của huyện Trấn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Tiếp tục chú trọng kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh, tăng cường bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam như Shopee, Sendo, Lazada, Postmart, Voso…

Những kết quả bước đầu của Chương trình OCOP, là nền tảng vững chắc để huyện Trấn Yên thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng bền vững, lâu dài. Huyện Trấn Yên đang tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích chủ thể mạnh dạn tham gia chương trình OCOP, đồng thời chủ trọng công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

 
Nguồn Báo Nông Nghiệp

 

 

Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo