Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN
Theo số liệu của Bộ Công thương, chế biến phân bón là mặt hàng tăng trưởng mạnh trong nhóm sản phẩm của ngành công nghiệp. Đối với thị trường ngoài nước, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị, cụ thể sản lượng tăng 47% tương đương 193% giá trị (gần 440 triệu USD).
Ảnh: Ngành sản xuất kinh doanh phân bón lãi lớn trong những năm gần đây. Nguồn: Thanhnien.vn
Riêng thị trường trong nước, giá phân bón vẫn liên tục tăng trong 2 năm qua và tiếp tục duy trì ở mức cao. Cụ thể phân ure các loại khoảng 17.600 đồng/kg, DAP từ 22.500 - 27.000 đồng/kg, kali khoảng 18.000 đồng/kg … Từ người nông dân đến doanh nghiệp và cả cơ quan chức năng đều xác nhận đây là mức giá quá cao và sản xuất nông nghiệp sẽ không có lãi. Ngay cả các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng thừa nhận mức giá phân bón “chạm đến ngưỡng chịu đựng” của nông dân.
Hiện tại, miền Nam đang vào mùa mưa và nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang xuống giống vụ hè thu. Ông Nguyễn Thành An, nông dân ở Thoại Sơn (An Giang) cho biết: ngoài mặt hàng ure giảm nhẹ khoảng 100 đồng/kg, các sản phẩm khác vẫn duy trì mức giá cao. Hè thu là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn về thời tiết. Nếu phân bón vẫn tiếp tục duy trì giá cao như hiện tại nhiều khả năng sẽ lỗ vì năng suất thường không cao bằng vụ đông xuân.
Anh Nguyễn Văn Hoàng một nhà vườn ở Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết: Vườn cây ăn trái gồm các loại như: ổi, mận, xoài… đã hết vụ thu hoạch nhưng do giá bán quá thấp; nhà vườn không có lãi mà giá phân lại cao nên hiện tại chưa có tiền để mua phân bón về dưỡng cây cho vụ tới dù đã vào mùa mưa. “Nhà vườn đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn không có lối ra liên quan đến giá thành sản phẩm và chi phí đầu tư”, anh Hoàng lo lắng.
Nguồn tham khảo: Báo Thanhnien.vn