Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN
Do một số đối tác truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo, doanh nghiệp trong nước nhiều khả năng sẽ có thêm đơn hàng thời gian tới.
Tại Hội thảo "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới", ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, diện tích gieo cấy năm 2023 ước khoảng 7,1 triệu ha, năng suất ước đạt 60,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt: 43,1 triệu tấn, tăng 420 nghìn tấn so với năm 2022.
Một trong những điểm nổi bật, là tỷ trọng các giống thơm, đặc sản hiện chiếm phần lớn.
Cụ thể, giống Đài Thơm 8/OM18 hiện chiếm 41%, giống OM5451 chiếm khoảng 19%, giống ST (21/24/25) chiếm khoảng 9%. Điều này được giữ xuyên suốt qua các vụ gieo trồng, từ vụ đông xuân, hè thu.
Về vấn đề thị trường, thị trường số một của Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.
Theo ông Hòa, sản phẩm gạo xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là gạo trắng, chiếm tới hơn 60% trong cơ cấu, và đạt hơn 2,3 tỷ USD giá trị.
Ông Hòa nhận định, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam diễn biến tương đối phức tạp từ năm 2021. Vào đầu năm 2021, giá gạo đạt ngưỡng 550 USD/tấn, nhưng đến khoảng giữa năm 2022, con số này giảm xuống sát 460 USD/tấn, sau đó tăng cao đột biến trong năm 2023. Giá thời điểm cao nhất được ghi nhận vào tháng 10/2023, đạt 640 USD/tấn. Cá biệt, một số doanh nghiệp có thể đạt thỏa thuận sát ngưỡng 800 USD/tấn.
Gạo Việt Nam ngày càng có nhận diện về thương hiệu trên bản đồ thế giới, theo ông Lê Thanh Hòa. Phân tích tình hình thời gian tới, lãnh đạo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn.
Do lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn, ông Hòa nhấn mạnh: “Đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam”.
Đi sâu hơn vào khía cạnh này, ông Hòa nói, nhu cầu nhập khẩu của các nước sẽ biến động. Một số quốc gia sẽ giảm, như Brazil, Ai Cập, Ghana… nhưng một số nước, trong đó có bạn hàng lớn của Việt Nam - Indonesia - lại dự báo tăng khoảng 600.000 tấn.
Ngoài ra, tính trong năm 2023, Philippines - một đối tác quan trọng khác của Việt Nam - nhập khẩu gạo hơn 2,8 triệu tấn, trong đó 90% khối lượng được nhập khẩu từ Việt Nam, 4,5% từ Thái Lan đạt 126.560 tấn, 4,3% từ Myanmar đạt 120.538 tấn, còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.
Nhận định rõ xu hướng chuyển đổi sản xuất bền vững, phát triển xanh, tiêu dùng xanh của thị trường lúa gạo, ông Lê Thanh Hòa khuyến cáo các doanh nghiệp đi vào vấn đề chất lượng, thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như thời gian trước đây.
“Yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Hòa chia sẻ tại hội thảo.
Bên cạnh khâu giống, đại diện Bộ NN-PTNT đề xuất nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ giúp cơ giới hóa, tự động hóa, giải phóng sức lao động.
Bốn giải pháp được ông Hòa nêu, gồm tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, hình thành vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu quy mô lớn, trung tâm logistic, tổ chức sản xuất theo hướng an toàn và bền vững, hoàn thiện các tiêu chuẩn, chuẩn hóa giống, quy trình canh tác, tăng cường chế biến sâu, thúc đẩy logistic phát triển thị trường lúa gạo trong nước và xuất khẩu với cơ cấu giống phù hợp, chủ lực theo chiến lược xuất khẩu gạo (gạo đặc sản, gạo thơm, gạo chất lượng cao…).
Dự báo về thị trường cuối năm và nửa đầu năm 2024, ông Lê Thanh Hòa cho rằng tình hình tiếp tục thuận lợi. Do đó, ông đề xuất tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.
Các doanh nghiệp, HTX và người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Thông qua chuỗi sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, ông Lê Thanh Hòa cũng đề nghị Bộ Công thương tập trung nghiên cứu, chia sẻ thông tin thị trường; đánh giá, dự báo dài hạn nhu cầu, thị hiếu; ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm để thúc đẩy xuất khẩu.
Cùng với đó, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp các chuỗi liên kết được bền vững.