Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN
Mô hình sản xuất vải thiều hữu cơ tại Lục Ngạn (Bắc Giang) đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, được nhiều doanh nghiệp bao tiêu.
Những ngày này, về “vựa” vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh từng đoàn xe xếp hàng dài từ sáng sớm để đưa quả vải đặc sản đi khắp cả nước. Không khí tấp nập của kẻ mua người bán len lỏi đến từng thôn xóm.
Có 1ha vải tham gia vào mô hình điểm trồng vải thiều theo hướng hữu cơ của tỉnh, năm 2023, vườn vải của ông Nguyễn Minh Đức, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn) dự kiến cho sản lượng từ 10 - 15 tấn.
Ông Đức cho biết, năm 2023, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang đã phối hợp với Công ty Cổ phần New AG. Technologies Việt Nam hỗ trợ bà con triển khai mô hình sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ tại xã Quý Sơn nhằm tiến tới sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, có chứng nhận.
Qua đó, sẽ góp phần mở rộng, lan tỏa tinh thần sản xuất vải thiều nói riêng cũng như sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung tại vùng vải thiều Lục Ngạn theo hướng sinh thái, bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
“Năm nay, bà con chúng tôi được Chi cục Trồng trọt và BVTV và Công ty New AG hỗ trợ phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học trong sản xuất vải thiều. Sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ đòi hỏi yêu cầu cao hơn bình thường, chi phí sẽ nhỉnh hơn sản xuất vô cơ nhưng ưu điểm là bảo vệ được sức khỏe người sản xuất và sẽ cho ra thị trường những sản phẩm sạch, đáp ứng tốt nhất cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước”, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ tại xã Quý Sơn cho biết, vải sản xuất theo hướng hữu cơ chất lượng ngọt hơn, tỷ lệ quả rụng sinh lý thấp, năng suất khá, lại không lo khâu tiêu thụ nhờ được doanh nghiệp bao tiêu.
"Ngay từ đầu vụ đã có doanh nghiệp tới kí hợp đồng bao tiêu vải thiều của người dân. Có bao nhiêu vải loại 1 họ cam kết bao tiêu hết. Mới chỉ một doanh nghiệp bao tiêu thôi nhưng bà con trong tổ hợp tác vẫn chưa cung ứng đủ sản lượng cho họ”, ông Mến hồ hởi.
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bắc Giang cho biết, địa phương đã xác định để mô hình vải thiều hữu cơ phát triển bền vững và hiệu quả, bắt buộc phải có sự tham gia của các doanh nghiệp để liên kết đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Đặc biệt, sản phẩm vải thiều sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ sẽ được thị trường xuất khẩu chấp nhận, được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao.
Xác định yếu tố chất lượng sản phẩm là chìa khóa trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, ngay từ khi lực chọn thí điểm mô hình vải thiều hữu cơ, Chi cục đã hướng dẫn bà con quy trình sản xuất nghiêm ngặt để đáp ứng điều kiện xuất khẩu.
Với mô hình vườn vải hữu cơ tại xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn), vụ vải năm nay, kết quả lấy mẫu phân tích chỉ tiêu về chất lượng, mẫu mã đều đạt các yêu cầu để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Cụ thể, độ ngọt đạt 21 độ brix (so với yêu cầu chuẩn là 19 độ brix), vải có mẫu mã đẹp, đều, vỏ cứng...
Các chỉ tiêu phân tích đa dư lượng trên quả vải do Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang thực hiện đều cho kết quả đạt các yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản...
“Thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngày càng được nhiều người biết đến. Chúng tôi xác định du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở những vườn vải hữu cơ sẽ đem lại giá trị và nguồn lợi rất lớn cho bà con nông dân. Năm nay, đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ du lịch sinh thái và đặt hàng, thu hoạch trực tiếp ngay tại vườn vải. Chính vì vậy, bà con trồng vải rất yên tâm sản xuất mà không phải lo đầu ra”, ông Đặng Văn Tặng cho hay.
Trực tiếp tới tham quan vườn vải hữu cơ tại xã Quý Sơn, anh Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Phạm Gia Thái Bình - doanh nghiệp có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản đánh giá rất cao quả vải thiều được sản xuất theo hướng hữu cơ.
“So với quả vải của các nước lân cận trong khu vực, người dân Nhật Bản có phần yêu thích vải thiều Việt Nam hơn. Tôi hi vọng bà con Lục Ngạn sẽ tiếp tục mở rộng phát triển vải thiều theo quy trình hữu cơ để đáp ứng tốt nhất các điều kiện, yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, giúp bà con kiều bào Việt Nam ở Nhật Bản nói riêng và người tiêu Nhật Bản nói chung ngày càng biết đến và tiêu thụ nhiều hơn loại trái cây đặc sản này”, ông Phạm Tiến Dũng bày tỏ.
Về những yêu cầu kỹ thuật để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, anh Phạm Tiến Dũng cho biết, 2 yếu tố quan trọng nhất là sản phẩm không được có tồn dư lượng thuốc BVTV và kích cỡ của quả vải.
Theo ông Dũng, vườn vải sản xuất theo hướng hữu cơ của bà con xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn) nằm cách xa những vùng trồng vải vô cơ khác để đảm bảo không bị ảnh hưởng dư lượng thuốc BVTV. Cùng với đó, người dân đã nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể từ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cũng như Công ty New AG để đảm bảo quá trình sản xuất theo hướng hữu cơ.
Về tiêu chí kích cỡ của quả vải để xuất khẩu sang Nhật Bản, ông Dũng cho biết, kích cỡ trung bình phải đảm bảo đạt khoảng từ 28 - 32 quả/kg, đường kính của quả vải sẽ phải lớn hơn 2,5cm, độ ngọt phải trên 18 độ brix.