Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN
Nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm trồng trọt và hướng tới xuất khẩu nông sản chính ngạch, thời gian qua, ngành nông nghiệp, các địa phương đã và đang thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho các sản phẩm nông sản. Mặc dù, trên địa bàn tỉnh, công tác xây dựng, cấp MSVT đã đạt được những kết quả tích cực song vẫn còn những điểm nghẽn, cần sự quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương và người sản xuất.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Xã Yên Ninh (Yên Định) vốn là vùng trồng bưởi Diễn theo quy mô lớn có chất lượng cao và có “tiếng” trên thị trường trong, ngoài tỉnh. Mặc dù đã phát triển được diện tích hơn 77 ha, trong đó, có 10 ha đã được chứng nhận VietGAP. Song, người dân địa phương đa phần vẫn ứng dụng lối canh tác truyền thống, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất bưởi chuyên biệt, chưa thống nhất được quy trình chăm sóc nên sản phẩm làm ra không đồng đều về chất lượng. Do đó, việc tiêu thụ của người dân chủ yếu tự phát qua hệ thống chợ truyền thống, thương lái, chưa hình thành được các chuỗi cung ứng, tiêu thụ bền vững. Ông Trịnh Quốc Huy, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Xây dựng Yên Ninh, đơn vị xây dựng thành công sản phẩm bưởi Thanh Đường Yên Ninh đạt chất lượng OCOP 3 sao, cho biết: Mặc dù diện tích trồng bưởi Diễn của địa phương lớn, song người dân đã trồng từ cách đây hàng chục năm, theo lối xen canh nhiều loại cây trồng và chưa thống nhất được quy trình chăm sóc cho toàn vùng nên việc đăng ký cấp MSVT chưa bảo đảm yêu cầu. Trước thực tế này, xã Yên Ninh đã và đang nỗ lực thay đổi cách thức sản xuất, dần hình thành vùng chuyên canh sản xuất bưởi Diễn quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, bảo đảm tiêu chuẩn cấp MSVT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Còn tại xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa), người dân đã có kinh nghiệm sản xuất lúa từ lâu đời, song chưa hình thành được vùng chuyên canh sản xuất quy mô lớn, chất lượng các vùng sản xuất không đồng đều dẫn tới giá trị kinh tế không cao. Ông Lê Văn Tỉnh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phúc, cho biết: Để xây dựng MSVT cho vùng sản xuất lúa, HTX hướng dẫn bà con ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, chăm sóc lúa, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc chăm bón, phun thuốc đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng”. Đồng thời, nhắc nhở, đôn đốc bà con ghi chép đầy đủ nhật ký nông hộ... Nhờ nỗ lực chuẩn hóa sản xuất, đảm bảo các yếu tố về môi trường, an toàn thực phẩm theo đúng quy định nên sau hơn 2 năm triển khai, vùng sản xuất lúa 10 ha tại thôn 2 xã Thiệu Phúc, với khoảng 50 hộ dân và HTX tham gia sản xuất đã được cấp MSVT xuất khẩu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 80 MSVT nội địa, với diện tích khoảng 1.000 ha, 77 MSVT xuất khẩu, diện tích 692,2 ha và 1 cơ sở đóng gói ớt đã được cơ quan chức năng cấp MSVT theo quy định hiện hành. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 80 MSVT nội địa, với diện tích khoảng 1.000 ha, 77 MSVT xuất khẩu, diện tích 692,2 ha và 1 cơ sở đóng gói ớt đã được cơ quan chức năng cấp MSVT theo quy định hiện hành. Đây là một con số khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số khó khăn trong cấp MSVT được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đưa ra là: Quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa sản xuất chuyên canh trên một vùng nhất định; nhận thức của người sản xuất về MSVT và lợi ích của nó mang lại còn khá mơ hồ. Ngoài ra, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh chưa đồng nhất, nhiều nơi trình độ người dân chưa thể thực hiện cập nhật thông tin sản xuất trên cơ sở dữ liệu quản lý theo quy định về cấp MSVT...
Quyết tâm đẩy mạnh cấp MSVT
MSVT được coi là “tấm vé thông hành” của nông sản khi lưu thông trên thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu chính ngạch. Do đó, khi có vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ được nâng tầm giá trị hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, khi tiếp cận và được cấp MSVT, trình độ sản xuất của người dân cũng nâng lên. Do đó, nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, giá trị kinh tế cao đòi hỏi ngành nông nghiệp và các địa phương cần đẩy mạnh việc cấp MSVT cho nông sản trên địa bàn tỉnh.
Điển hình cho việc nâng cao giá trị nông sản từ cấp MSVT, đó là vào tháng 6/2023 có 1 lô sản phẩm vải ngọc Hồ Gươm (vải không hạt) đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Anh Quốc với khối lượng 1,1 tấn. Được biết, thông qua việc chuyên canh sản xuất quy mô lớn, bảo đảm tiêu chuẩn được quy định và quan trọng là đủ điều kiện cấp MSVT nên sản phẩm vải ngọc Hồ Gươm đã đủ điều kiện xuất khẩu, đạt giá trị hàng tỷ đồng/lô, cao hơn nhiều so với tiêu thụ trong nước. Đây chính là minh chứng thiết thực nhất để các địa phương, người dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh cấp MSVT cho các loại nông sản địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị cho sản xuất nông nghiệp.
MSVT được coi là “tấm vé thông hành” của nông sản khi lưu thông trên thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu chính ngạch. Do đó, khi có vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ được nâng tầm giá trị hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, khi tiếp cận và được cấp MSVT, trình độ sản xuất của người dân cũng nâng lên. |
Ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Với mục tiêu tập trung thiết lập, cấp, quản lý và giám sát các vùng sản xuất các loại nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh, ngành nông nghiệp đã và đang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức tập huấn về MSVT cho cán bộ quản lý, chính quyền địa phương, cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ tại cơ sở; tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất và trực tiếp làm việc tại các vùng trồng. Đồng thời, duy trì việc kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các MSVT đã được cấp theo Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT, ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với duy trì 80 MSVT nội địa, 77 MSVT xuất khẩu, tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá các vùng sản xuất trồng trọt, cơ sở đóng gói có tiềm năng, lợi thế, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định để thiết lập, phấn đấu năm 2024 cấp mới 10 MSVT xuất khẩu đối với những loại cây trồng có tiềm năng (bưởi, chanh leo, cam, dứa...) và 60 MSVT nội địa.