Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN
Sáng ngày 21/11/2022, ông Trần Thế Như Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức NHO – đơn vị chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ hàng đầu Việt Nam đã tham dự và có bài phát biểu tham luận quan trọng tại Diễn đàn “Đối thoại phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị” tại TP. Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Trần Thanh Nam, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cùng nhiều lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Nông nghiệp &PTNT chủ trì. Diễn đàn có sự tham gia của 200 đại biểu, được kết nối với 40 điểm cầu trong cả nước.
Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị, đến năm 2021 Việt Nam có trên 174,3 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ (tăng 47% so với năm 2016), trong số này có hơn 63,5 nghìn ha đất trồng trọt hữu cơ; 100 nghìn ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ và hơn 12,4 nghìn ha thu hái tự nhiên. Việt Nam có hơn 30 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc,... Ngoài ra còn các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xuất khẩu khác đem lại giá trị hàng triệu USD như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng trên 335 triệu USD/năm tới 180 thị trường trên thế giới, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010-2016. Các sản phẩm hữu cơ được xuất khẩu là chè, tôm, gạo, hạt điều, hạt tiêu, quế, hồi, tinh dầu, gia vị... nhưng với số lượng còn rất hạn chế. Người tiêu dùng trên thế giới có xu hướng sử dụng nhiều hơn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật và gia tăng mối quan tâm về sức khỏe, môi trường và đạo đức.
Quy mô thị trường thực phẩm hữu cơ toàn cầu được dự báo tăng trưởng nhanh trong 05 năm tới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 14%, từ 227,19 tỷ USD vào năm 2021 lên 259,06 tỷ USD vào năm 2022 và đạt 437,36 tỷ USD vào năm 2026 với khu vực tăng trưởng mạnh nhất là Bắc Mỹ và Châu Âu. Các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đang hướng tăng cường các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Việt Nam với hai thách thức rất lớn là an toàn vệ sinh thực phẩm và biến đổi khí hậu cũng đang đặt ra ngày càng nhiều các tiêu chuẩn cho ngành nông nghiệp.
Đồng tình với nhiều ý kiến tại diễn đàn, đại diễn lãnh đạo của Tổ chức NHO cho rằng: sản xuất hữu ở Việt Nam đang ngày càng phát triển về cả diện tích lẫn chủng loại sản phẩm tham gia chứng nhận hữu cơ. Thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ngày càng được mở rộng và có nhiều tiềm năng; nhiều mô hình liên kết sản xuất hữu cơ đã bước đầu phát triển tốt, mang lại lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường.
Chia sẻ khó khăn mà với các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang phải đối mặt chẳng hạn như nhận thức xã hội về thực phẩm hữu cơ chưa cao; chi phí sản xuất, vật tư đầu vào sản xuất hữu cơ gia tăng; nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ còn hạn chế,.. ; đại diện lãnh đạo Tổ chức NHO cam kết luôn đồng hành cùng với người sản xuất, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến hữu cơ đối với các hoạt động hỗ trợ các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp định hướng thị trường sản phẩm hữu cơ, tư vấn chuyển đổi sản xuất hữu cơ và đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và quốc tế.
Cũng trong ngày 22/11/2022, đại diện lãnh đạo Tổ chức NHO cũng đã và đóng góp ý kiến cho Hội nghị Sơ kết 03 năm triển khai Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ do Bộ Nông nghiệp &PTNT chủ trì với mục tiêu ghi nhận ý kiến chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam trong thời gian tới.