Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

Mỗi sản phẩm nông nghiệp cần minh bạch cả quá trình sản xuất

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Cùng với yếu tố tiên quyết là bảo đảm an ninh lương thực, ngành nông nghiệp đang hướng tới chuyển đổi tư duy, minh bạch hóa cả quá trình sản xuất, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Các chỉ tiêu tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư được coi là "cỗ xe tam mã" kéo tăng trưởng kinh tế Việt Nam bứt tốc với xuất siêu 9 tháng ước đạt 21,68 tỷ USD. Trong bức tranh tổng quan này, Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về vai trò của ngành nông nghiệp?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nói về con số thống kê thặng dư giá trị xuất khẩu đến hết tháng 9/2023, ngành nông nghiệp đã đóng góp được 8 tỷ USD, chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng xuất siêu của Việt Nam. Ngành nông nghiệp đã có đóng góp vào sự tăng trưởng nói chung và xuất khẩu nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, không có lợi cho kinh tế nước ta trong đó có ngành nông nghiệp là rất đáng ghi nhận.

Đóng góp này cũng chứng minh, tổng tỉ trọng ngành nông nghiệp trong GDP cả nước không phải là lớn nhưng nếu nhìn vào xuất siêu thì tỉ trọng rất lớn. Điều này có được cũng nhờ sự lãnh đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội cùng như sự điều hành của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ. Kết quả này tiếp tục tạo đà cho ngành nông nghiệp phát triển, minh chứng trong Nghị quyết của Đảng luôn đánh giá nông nghiệp là một trong những trụ đỡ, là một điểm sáng trong bối cảnh chung, trong khó khăn chung của đất nước. Và cũng cho thấy Chiến lược phát triển nông thôn bền vững đã đi đúng hướng.

Khi nhắc đến vai trò "bệ đỡ của kinh tế" của ngành nông nghiệp, theo quan điểm của Bộ trưởng, ngành nông nghiệp đang đứng trước những cơ hội và thách thức như thế nào?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Gần đây tôi có làm việc với nhiều Bộ trưởng nông nghiệp của các nước trên thế giới, các bạn sang thăm, tìm hiểu, trao đổi để bàn câu chuyện hợp tác, bảo đảm an ninh lương thực cho nước bạn. Câu chuyện thương mại nông sản bây giờ đối với nhiều quốc gia đã trở thành những chiến lược về an ninh lương thực. Chúng ta là một quốc gia có lợi thế về sản xuất nông nghiệp nên có một sức hút rất lớn đối với các quốc gia này.

Cơ hội sẽ đi kèm với các thách thức. Chúng ta phải cân đối được lương thực trong nước, đó là mệnh lệnh chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, không chỉ một thời điểm hiện tại mà ngay cả trong tương lai 5 năm, 10 năm, 20 năm. Bởi vì an ninh lương thực kèm theo những an ninh về xã hội. Chúng ta không để những biến động về giá cả làm cho người tiêu dùng trong nước, nhất là người yếu thế khó tiếp cận lương thực, thực phẩm cho bữa ăn ngày. Đó là thách thức trong sự cân bằng giữa xuất khẩu và an ninh lương thực.

Thách thức thứ hai về biến đổi khí hậu, đây là vấn đề mà cả thế giới quan tâm. Phải có những giải pháp một cách đồng bộ hơn, kể cả cấu trúc lại sản xuất, ngành hàng, thay đổi cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Làm sao mục tiêu ngắn hạn là vẫn giữ vững, bảo đảm an ninh lương thực, tham gia xuất khẩu nhưng mục tiêu dài hạn là vừa chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thách thức thứ ba là hàng rào kỹ thuật ngày càng khắt khe đối với vấn đề an toàn thực phẩm. Vấn đề truy xuất nguồn gốc đòi hỏi ngành nông nghiệp, bà con nông dân phải thay đổi cách tiếp cận, thay đổi tư duy. 

Thị trường bắt đầu có xu hướng không phải mua một sản phẩm nữa mà người ta mua cái cách tạo ra sản phẩm đó. Vậy nên điều quan trọng là chúng ta sản xuất sản phẩm có bảo đảm không, có ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe cộng đồng hay không, có vi phạm những quy định, những chuẩn mực của thế giới không... Chúng ta đội ngũ nông dân sản xuất lớn, để thông tin đến được, để thay đổi được tâm lý, tập quán của những người sản xuất, của bà con nông dân không phải ngày một ngày hai…

Mỗi sản phẩm nông nghiệp cần minh bạch cả quá trình sản xuất - Ảnh 2.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Nông nghiệp thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, thâm dụng vốn phải chuyển sang nền nông nghiệp mà thông dụng hàm lượng tri thức, thâm dụng về công nghệ" - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nói đến người nông dân-mắt xích đầu tiên của chuỗi sản xuất nông nghiệp, câu chuyện tiếp cận công nghệ và thay đổi thói quen sản xuất là điều không hề dễ dàng. Vậy ngành nông nghiệp sẽ có những hoạt động gì để thúc đẩy và hỗ trợ người nông dân trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi nghĩ cần có sự vào cuộc đồng bộ, của cả hệ thống từ Trung ương tới địa phương, để truyền thông nâng cao nhận thức và hướng dẫn thay đổi hành vi cũng như cần sự hỗ trợ của Nhà nước để nông dân tự nhận thấy rằng mình không thể làm như cũ nữa.

Nếu sản xuất như cũ thì chỉ quanh quẩn bán ở sân nhà, chợ làng, chợ phố. Muốn đi xa phải tuân thủ luật chơi mới, đó là sự công bằng. Bộ NN&PTNT cũng đang tư duy theo hướng để cho các doanh nghiệp, bà con nông dân thấy rằng chúng ta cũng có thể làm được, không có gì quá khó khăn, nhưng vấn đề ở đây là cần thay đổi nhận thức.

Chúng tôi cũng sẽ đề xuất những chính sách để không phát sinh quá nhiều chi phí cho bà con. Công nghệ đối với nông nghiệp hiện nay đang theo xu thế khiến nền nông nghiệp truyền thống thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, thâm dụng vốn phải chuyển sang nền nông nghiệp mà thông dụng với hàm lượng tri thức, thâm dụng về công nghệ.

Chúng ta không cào bằng để có một công nghệ cho tất cả, bởi vì nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều tầng người nông dân với quy mô sản xuất; quy mô doanh nghiệp lớn; quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp khởi nghiệp; quy mô của hợp tác xã hội….

Công nghệ phải phủ được tất cả những tầng của nền kinh tế nông nghiệp, nó không đặc thù cho một nhóm đối tượng nào. Quan điểm của Bộ NN&PTNT là tất cả những sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ của Bộ phải đi theo hướng đó, tức là phải đưa đến được người nông dân và đưa đến từng cấp độ của nông dân.

Để công nghệ phủ được các tầng kinh tế nông nghiệp, đòi hỏi việc chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp cần đáp ứng được. Bộ NN&PTNT đã có chuẩn bị gì cho việc này?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi rất thấu cảm với bà con nông dân, do ít có thông tin, lâu lâu có doanh nghiệp xuống chia sẻ về sản phẩm, chế phẩm sinh học tốt. Nhưng tốt là một chuyện và giá là một chuyện nữa, phải cân bằng được việc này.

Chính sách của Nhà nước và trách nhiệm của ngành nông nghiệp, nông thôn là phải giúp bà con tiếp cận những cái mới, để tư vấn hỗ trợ bà con nên sử dụng cái nào, vì lý do gì. Bên cạnh đó cũng cần kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc, có trách nhiệm như nông dân.

Bộ NN&PTNT đang thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, chúng tôi đang hướng đến việc nếu có một nhãn hàng mới thì bà con có thể vào kênh thông tin uy tín để tham khảo được. Kênh đó sẽ có thông tin phân tích và hợp chuẩn từ những doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu, phân phối những vật tư đầu vào trong ngành nông nghiệp.

Sẽ có cơ chế phối hợp chuẩn để đưa thông tin công khai, minh bạch, doanh nghiệp sản phẩm nào thì có bộ phận của cơ quan quản lý nhà nước sẽ đánh giá. Đây sẽ là kênh chính thống, được Nhà nước công nhận.

Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ có cuộc họp về mạng lưới nhà nông, hướng tới mỗi nông dân Việt Nam đều có thể tiếp cận thông tin bằng điện thoại của mình, phải có kênh thông tin trả lời cho bà con nông dân những vấn đề cụ thể. Chuyển đổi số phải đến được người nông dân, không phải chỉ nằm trong cơ quan quản lý nhà nước, chuyển đổi số không chỉ phục vụ cho điều hành mà sau cùng là phải phục vụ người nông dân.

Cách làm chuyển đổi số cũng phải thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lấy người dân là trung tâm, lấy lòng dân là trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Mặc dù quá trình này hiện nay còn hơi rời rạc, tự phát, nhưng khi chúng ta đưa vào một quy trình chuyển đổi số có mục tiêu rõ ràng, có cơ quan với trách nhiệm rõ ràng với bà con nông dân thì sẽ thay đổi được bà con nông dân. Trong quá trình thay đổi đó sẽ giảm thiều nhiều rủi ro cho bà con nông dân, giảm thiểu rủi ro cho ngành nông nghiệp.

Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo