Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

Mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP

Xác định tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích người dân mạnh dạn cải tạo diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, như bưởi Diễn, cam Đường Canh, ổi... Bên cạnh đó, chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Được sự khuyến khích và hỗ trợ của UBND xã Bắc Lương (Thọ Xuân), ông Nguyễn Văn Tình, ở thôn 3 Mỹ Thượng đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để cải tạo đất vườn của gia đình trồng bưởi Diễn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Tình, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tuy quy trình chăm sóc khắt khe, vốn đầu tư khá lớn nhưng chất lượng quả vượt trội và giá bán cao hơn. Theo đó, toàn bộ quá trình chăm sóc được ghi chép nhật ký từ khâu tạo đất, chọn giống, ghép cành... Để cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, ông Tình thường xuyên dùng chế phẩm sinh học như ngâm gừng, tỏi, ớt phun cho cây trồng để phòng trừ sâu bệnh. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho quả đều, vỏ bóng đẹp, năng suất và chất lượng quả ngon hơn so với diện tích trồng theo phương pháp truyền thống; giá bán ra cao hơn so với bưởi trồng theo phương pháp cũ. Hiện nay, trang trại trồng bưởi của ông có năng suất trung bình từ 7 đến 8 tấn/năm, được thương lái tìm đến tận vườn ký hợp đồng thu mua.

Được biết, toàn xã Bắc Lương có khoảng 60 ha trồng cây ăn quả; trong đó, có 40 ha trồng bưởi Diễn, 14 ha trồng tại vùng chuyên canh tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm được dán logo, dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ để dễ dàng phân biệt với loại bưởi thông thường, giá trị sản phẩm được nâng lên từ 20 đến 25%.

Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để trồng cây ăn quả, huyện Như Xuân đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất, đất vườn hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả theo hướng tập trung. Huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây ăn quả, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, hỗ trợ các xã, thị trấn thành lập các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây ăn quả cho người dân. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân, trong quy trình sản xuất, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật sản xuất từ cách chọn đất trồng phù hợp, không tồn dư hóa chất, giống cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng các loại phân bón hữu cơ... Bên cạnh đó, người dân còn mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, quy hoạch vùng trồng khoa học để thuận lợi trồng, chăm sóc, thu hoạch. Có thể thấy, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường. Năm 2017, từ 70 ha diện tích tập trung ban đầu được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay đã nhân rộng lên hơn 356 ha, chủ yếu là các loại cây như cam Đường Canh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Diễn... trong đó, có hơn 100 ha được chứng nhận VietGAP.

Được biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 23.000 ha trồng cây ăn quả, tập trung tại các huyện, như Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Thọ Xuân, Như Xuân; trong đó, có hơn 7.000 ha trồng tập trung, hầu hết diện tích này đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Thu nhập từ cây ăn quả đạt 450 - 500 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, so với những tiềm năng hiện có, việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn hạn chế, diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ do quá trình sản xuất nghiêm ngặt, chi phí đầu tư lớn, tại các địa phương nguồn nhân lực để hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP còn thiếu... Nhằm khắc phục những hạn chế của việc sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật... Tiếp tục xây dựng, mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân. Chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cây ăn quả, bảo đảm tiêu chuẩn để áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất quy mô lớn.

Theo Báo Thanh Hóa

Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo