Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN
Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về thực phẩm an toàn, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người dân, không ngừng mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Tận dụng lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, những năm qua, huyện Như Xuân đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất, đất vườn hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả theo hướng tập trung. Huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây ăn quả, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, hỗ trợ các xã, thị trấn thành lập các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây ăn quả cho người dân. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi công chăm sóc lớn nhưng đầu ra ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quy trình sản xuất, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật sản xuất từ cách chọn đất trồng phù hợp, không tồn dư hóa chất; giống cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mang lại năng suất, chất lượng cao; sử dụng các loại phân bón hữu cơ; tất cả các khâu từ cải tạo đất, chọn giống, quá trình chăm bón... phải ghi chép nhật ký sản xuất. Bên cạnh đó, người dân còn đầu tư hệ thống tưới tự động, quy hoạch vùng trồng khoa học để thuận lợi trồng, chăm sóc, thu hoạch. Có thể thấy, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường. Năm 2017, huyện Như Xuân hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 70 ha, đến nay, diện tích đã được mở rộng lên hơn 356 ha, chủ yếu là các loại cây như cam Đường Canh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Diễn..., trong đó, có hơn 100 ha được chứng nhận VietGAP.
Là một trong những địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, huyện Quảng Xương đã khuyến khích người dân đưa các giống cây trồng chất lượng cao vào sản xuất, áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Phát triển nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Đến nay, huyện đã xây dựng được 6 mô hình sản xuất lúa, gạo thương phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô hơn 450 ha; 6 mô hình sản xuất rau, quả công nghệ cao trong nhà màng, nhà kính, rau thủy canh, với quy mô hơn 36.000m2; 2 mô hình sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô trên 20 ha; 9 trang trại chăn nuôi gà, vịt an toàn dịch bệnh theo hướng VietGAP, với quy mô trên 10.000 con/trang trại; nuôi tôm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp; nuôi cua, cá theo hướng VietGAP...
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 12.560 ha rau, củ, quả an toàn; trong đó, hơn 4.500 ha được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, còn có hàng trăm mô hình nuôi trồng thủy sản và 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất chăn nuôi tốt (VietGAHP), với sự tham gia của 1.925 hộ chăn nuôi thuộc 95 nhóm thực hành sản xuất chăn nuôi tốt, 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ... Mặc dù diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không ngừng mở rộng ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do diện tích sản xuất ở một số địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư lớn dẫn tới giá thành sản phẩm cao; tại các địa phương nguồn nhân lực để hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP còn nhiều hạn chế... Vì vậy, để nhân rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất đến người dân. Bên cạnh đó, tạo điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giúp người dân yên tâm sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Cần có các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp an toàn, như hỗ trợ phát triển nhà màng, nhà lưới; kinh phí đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Theo báo Thanh Hóa