Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở vùng biên

Nghị quyết số 87/NQ-HĐND của HĐND huyện Lộc Ninh về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2022-2025 đang được triển khai thực hiện. Đây là bước đột phá của huyện nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, Lộc Ninh đã và đang hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng biên.

Ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi

Cuối tháng 2-2024, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lộc Ninh Trần Thanh Hùng cùng lãnh đạo UBND huyện, các phòng, đơn vị liên quan đến thăm trang trại chăn nuôi theo mô hình kinh tế mới đang áp dụng thành công của hộ anh Lưu Văn Bình ở ấp 54, xã Lộc An. Trang trại có diện tích 3.500m2 với khoảng 1.000 con dê boer, heo và bò giống 3B.

Trang trại chăn nuôi theo mô hình kinh tế mới đang áp dụng thành công của hộ anh Lưu Văn Bình ở ấp 54, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lộc Ninh Trần Thanh Hùng cùng lãnh đạo UBND huyện, các phòng, đơn vị liên quan tham quan các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện

Anh Bình cho hay, trước đây, anh chăn nuôi kiểu tráng rửa chuồng nhưng vẫn có mùi hôi, không hiệu quả. Sau đó, anh vừa làm vừa học hỏi, rồi tham gia thành lập Hợp tác xã (HTX) trang trại chăn nuôi Lộc An để sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, an toàn, sử dụng đệm lót sinh học thân thiện với môi trường. Theo đó, toàn bộ chất thải từ chăn nuôi được xử lý theo mô hình đệm lót sinh học để khử mùi hôi, sau đó đem bón cho cỏ voi, cây ăn trái. Khi thu hoạch loại cây trồng này quay trở lại thành thức ăn chính cho đàn bò, dê. Từ chăn nuôi mỗi năm anh Bình xuất bán hơn 50 tấn thịt dê và 30 tấn thịt bò, thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Mô hình sử dụng công nghệ máy bay không người lái được HTX lúa sạch Lộc Quang, huyện Lộc Ninh ứng dụng thành công trong nhiều công đoạn chăm sóc lúa

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, ngoài mô hình kinh tế của hộ anh Bình, hiện nay nhiều nông hộ, trang trại, HTX trên địa bàn huyện Lộc Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bước đầu đạt hiệu quả tích cực. Có thể kể đến các mô hình sản xuất tiêu biểu như: trồng cây dược liệu, dưa lưới nhà màng của HTX dược liệu Mạnh Hùng; nuôi cá nước ngọt bằng máy sục khí trong ao nuôi của hộ ông Thiều Đình Duẫn; mô hình chế biến sâu của HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang; mô hình sử dụng công nghệ máy bay không người lái trong sản xuất lúa nước của HTX lúa sạch Lộc Quang; mô hình nuôi dế, chế biến các sản phẩm từ dế của Công ty Cricket One; mô hình trồng sầu riêng công nghệ cao đã được chứng nhận mã vùng trồng của HTX nông nghiệp dịch vụ sầu riêng Lộc Khánh.

Phát huy nguồn lực địa phương

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 87/NQ-HĐND về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều mô hình hiệu quả, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn. Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Hiện nay, huyện Lộc Ninh có nhiều mô hình trồng dưa lưới nhà màng ứng dụng công nghệ cao hiệu quả

Huyện cũng đã phối hợp với Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh quy hoạch 250 ha để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay đã trồng được hơn 100 ha cây chuối già Nam Mỹ cho thu hoạch với năng suất cao, chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.

Năm 2023, HTX nông nghiệp Như Khanh được thành lập, nâng tổng số HTX trên địa bàn lên 45 HTX. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Thị Ánh Tuyết tặng hoa chúc mừng HTX

Đến nay, toàn huyện Lộc Ninh có 32 sản phẩm OCOP hạng 3-4 sao; thành lập mới 6 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX trên địa bàn lên 45 HTX. Các thành viên của HTX được hỗ trợ vốn, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao kiến thức trong lĩnh vực hoạt động của mình.

Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian qua chưa thật sự trở thành phong trào mạnh để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện. Mặt khác, quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ; các sản phẩm nông nghiệp chưa có sức cạnh tranh cao, chưa có nhiều sản phẩm mới, đặc trưng; việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Khuyến khích, thu hút đầu tư lĩnh vực này chưa đủ mạnh và chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp, người dân, cán bộ kỹ thuật nhiều kinh nghiệm tham gia.

Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư lĩnh vực này còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Việc phối hợp, liên kết, đặt hàng của các cơ quan quản lý nhà nước của huyện đối với các trung tâm, viện nghiên cứu... liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện chưa thật sự hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Kế hoạch của huyện trong năm 2024 sẽ phát triển 4 dự án nông nghiệp công nghệ cao, gồm: nâng cao năng suất, chất lượng lúa theo hướng hữu cơ tại các xã; hỗ trợ phát triển mô hình trồng và thâm canh cây chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGAP; trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và hỗ trợ chăn nuôi dê trong mô hình kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2022-2025. 

Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục đồng hành với người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh khi thực hiện. Cùng với đó, huyện tiếp tục liên kết xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ để đưa vào phục vụ nông nghiệp. Tập trung hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, HTX tiếp tục phát triển các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có; mở rộng đầu tư phát triển quy mô bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản mỗi xã, thị trấn có doanh nghiệp, trang trại, HTX hoặc tổ hợp tác có 1 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô vừa hoặc nhỏ… Dù trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng với tiền đề này, chắc chắn ngành nông nghiệp huyện Lộc Ninh sẽ có những bước đột phá và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo