Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

Xây dựng mã số vùng trồng, hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ… Với lợi ích này trong 2 năm (2022 - 2023) huyện Phú Bình đã thực hiện quy trình để được cấp mã vùng trồng lúa, với diện tích 75 ha. Sau khi thu hoạch, sản phẩm thóc gạo tại mô hình đã được kết nối tiêu thụ cho người dân tham gia gieo cấy tại mô hình.

Từ khâu chuẩn bị gieo cấy, chăm sóc, đến khi thu hoạch bà con đều được các kỹ sư của Trung tâm hướng dẫn. (Trong ảnh: Mô hình lúa J02 tại xã Dương Thành)

Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện Phú Bình cho biết: Phú Bình được biết đến là “vựa lúa” của tỉnh Thái Nguyên, sản lượng thóc trên 68 nghìn tấn mỗi năm. Mặc dù sản lượng cao, nhưng sản phẩm gạo của huyện chưa có chỗ đứng trên thị trường, việc tiêu thụ chủ yếu do người dân tự lo, nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao… Trước thực tế này, vụ mùa 2022, TTDVNN đã tham mưu với UBND huyện xây dựng mô hình để được cấp mã vùng trồng lúa. Với mong muốn qua mô hình sẽ giúp người dân áp dụng quy trình canh tác lúa cải tiến, để nâng cao chất lượng gạo. Đồng thời, đơn vị sẽ phối với các công ty, doanh nghiệp để tiêu thụ toàn bộ sản phẩm lúa, gạo cho người dân tại mô hình. Từ đó, dần hình thành vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ở vụ đầu tiên, đơn vị thực hiện việc cấp mã vùng trồng với tổng diện tích 43 ha cho sản phẩm gạo tại 2 xã Dương Thành, Tân Đức (23 ha lúa J02); Úc Kỳ, Xuân Phương (15 ha lúa nếp Thầu Dầu); Tân Khánh (5 ha lúa lai BTE1). Các mô hình trên đều áp dụng quy trình canh tác lúa theo hướng VietGap. Sau khi thu hoạch, năng suất lúa tại các mô hình đạt năng suất trung bình từ 52 - 54 tạ/ha, cao hơn 30% so với phương thức canh tác truyền thống.

Do đây là lần đầu tiên huyện thực hiện canh tác lúa theo quy trình VietGap, nên ngay từ khi bắt đầu triển khai Trung tâm đã cử cán bộ, kỹ sư của đơn vị hướng dẫn người dân tham gia mô hình. Ông Nguyễn Văn Cung, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Thành cho biết: Chính từ sự hướng dẫn nhiệt tình của các kỹ sư nông nghiệp, cùng với sự hợp tác, phối hợp của người dân tham gia mô hình, đặc biệt là điều kiện thời tiết thuận lợi nên trong vụ mùa 2022 năng suất lúa J02 tại mô hình cấp mã vùng trồng lúa của Dương Thành đạt gần 55 tạ/ha. Hơn thế, giống lúa này có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, nên việc các hộ chủ động nhân rộng thực hiện phương pháp canh tác này là có cơ sở.

Không chỉ góp phần nâng cao năng suất lúa, thực hiện việc cấp mã vùng trồng còn áp dụng các phương pháp canh tác theo hướng VietGap, hữu cơ. Đây là cơ hội để người dân được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp giảm công lao động, chi phí và tăng năng suất cây trồng. Là hộ có 3 sào lúa nếp Thầu dầu được gieo cấy tại mô hình anh Dương Phú Cường xóm Ngoài, xã Xuân Phương phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy canh tác lúa theo quy trình VietGap có nhiều điểm khác biệt so với phương thức canh tác truyền thống mà trước đây chúng tôi vẫn làm. Đó là hạn chế được chi phí đầu vào, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật do xác định được thời điểm phun phù hợp và lựa chọn thuốc trừ sâu sinh học thay thế cho thuốc hoá học. Việc bón phân cũng đã giảm được lượng đạm, thay vào đó là sử dụng phân chuồng hoặc lân tổng hợp. Điều này đã cải thiện môi trường đất, khiến cây lúa dễ chăm và phát triển tốt.

Không chỉ giúp người dân thay đổi phương thức canh tác, nâng cao năng suất, khi thực hiện mô hình, TTDVNN huyện đã kết nối với các công ty, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm thóc cho bà con ngay khi thu hoạch (nếu có nhu cầu). Nhờ đó, đã có 170 tấn thóc được thu mua theo giá thị trường ngay tại bờ sau khi vừa gặt xong.

Khi phun thuốc bảo vệ thực vật được áp dụng phương pháp phun thuốc bằng máy bay không người lái nên hiệu quả phòng trừ cao, giảm chi phí và công lao động

Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc TTDVNN Phú Bình cho biết thêm: Để đánh giá chất lượng sản phẩm gạo của mô hình, trong quá trình thực, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên đã tích cực song hành cùng với nông dân, thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở bà con ghi chép đầy đủ vào sổ nông hộ; thành lập nhóm zalo để đôn đốc việc thực hiện. Đồng thời, thường xuyên cập nhật hệ thống dữ liệu cơ sở sản xuất lên phần mềm, tiến hành kiểm tra mẫu nước, mẫu đất theo quy định. Nhờ đó, sản phẩm gạo tại 5 mô hình được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trung ương kiểm định đạt tiêu chuẩn, chất lượng và được cấp mã vùng trồng cho sản phẩm chủ lực.

Thành công bước đầu từ mô hình, nên trong vụ xuân 2023 đơn vị tiếp tục thực hiện 03 mô hình cấp mã vùng trồng tại xã Thượng Đình (6 ha giống TH 3-7); xã Thanh Ninh (10 ha giống Dự hương 8); xã Hà Châu (6 ha giống TBR225). Hiện nay, cây lúa tại các mô hình phát triển tốt, đang trong giai đoạn đẻ nhánh được bà con nông dân bón phân thúc và làm cỏ lần một. Tại các mô hình này đều áp sản xuất theo quy trình VietGap; người dân được hỗ trợ 50% chi phí vật tư; được tập huấn kỹ về xây dựng thương hiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại.

Có thể thấy, được cấp mã số vùng trồng có thể xem đây là chìa khóa trong việc nâng cao chất lượng, uy tín và mở rộng thị trường đối với các sản phẩm gạo Phú Bình. Thành công trong xây dựng mã số vùng trồng trên cây lúa mở ra cơ hội để huyện tiếp tục thực hiện trên nhiều loại cây trồng khắc, đặc biệt là cây ăn quả.

Nguồn THÁI NGUYÊN

Bài viết mới nhất:
Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo