Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

Liên kết vùng: “Lực đẩy” trong tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP

Sản phẩm OCOP đang trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn. Liên kết vùng sẽ là “lực đẩy” trong tiêu thụ nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng.

Kết nối giao thương, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP

Là một trong những địa phương triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, tỉnh Thái Bình đã có 64 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao. Trong số các sản phẩm trên, có 2 sản phẩm là đồ thủ công mỹ nghệ làm từ cói Tây An và khăn bông Thanh Chất đạt trên 90 điểm, đủ điều kiện để đăng ký tham gia sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Bên cạnh đó, có một số sản phẩm được công nhận mang bản sắc riêng của vùng quê lúa, có thương hiệu trên địa bàn toàn quốc như: mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, cây phát lộc Minh Tân…

Khu giới thiệu, trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiêu biểu tại Siêu thị GO! Thái Bình

Cùng với việc đầu tư vào những sản phẩm thế mạnh, có tính cạnh tranh cao, tỉnh Thái Bình cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Đây được coi là giải pháp quan trọng để tạo đầu ra bền vững cho nông sản hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng.

Đến nay, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, dán tem OCOP đã đưa vào tiêu thụ ổn định trong các công ty, cửa hàng, siêu thị. Tiêu biểu như sản phẩm trứng vịt biển, thịt vịt biển Đông Xuyên đã đưa vào tiêu thụ tại 26 cửa hàng, siêu thị ở 16 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình xây dựng gian hàng trên nền tảng trực tuyến và các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Voso... Một số sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh như trà túi lọc thìa canh Thái Hưng, kẹo dồi Trường Thuận, Bánh đa Quỳnh Côi… cũng đã phân phối thành công trên các giao diện trực tuyến, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Tuy nhiên, việc chỉ kết nối đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh là chưa đủ. Trong bối cảnh sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ thì việc kết nối giao thương đưa hàng hóa có chất lượng tới tay người tiêu dùng không chỉ tại Thái Bình mà còn đến với người dân trên cả nước là hết sức quan trọng. Nhất là đến với các địa phương có nhu cầu lớn về nông sản, hàng hóa như Hà Nội.

Về việc này, bà Trần Thị Phương Lan – Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, trong thời gian qua, Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã mở các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn thành phố. Các đơn vị quản lý, vận hành Điểm OCOP trên địa bàn thành phố cũng đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội mà còn mở rộng kết nối với các địa phương trên cả nước và trong đó có Thái Bình. Việc này góp phần không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của người tiêu dùng Thủ đô.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội)

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam - cho biết, luôn mong muốn đưa đặc sản vùng miền, đảm bảo an toàn thực phẩm về phục vụ người dân Thủ đô, do đó, chúng tôi đã tiếp cận các sản phẩm OCOP từ rất sớm. Hiện, tổng sản phẩm OCOP bán trong hệ thống BigGreen đang chiếm khoảng 60 – 65%. Các sản phẩm OCOP nông sản thực phẩm, đặc sản vùng miền được trưng bày, giới thiệu và bán tại cửa hàng luôn thu hút đông đảo người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối đưa các sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản sạch của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố vào hệ thống của mình, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân Thủ đô”, ông Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ.

Cần sự “chuyển mình” về mặt liên kết vùng

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua sản phẩm OCOP có 3 vấn đề cản trở cho hoạt động xúc tiến thương mại. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, đối tượng chủ thể của chương trình OCOP kinh tế quy mô nhỏ và rất nhỏ chứ không phải nhỏ và vừa; tính ổn định trong chất lượng sản phẩm; năng lực xúc tiến thương mại, năng lực tổ chức của các chủ thể OCOP mặc dù có tiến bộ trong thời gian qua nhưng trên thị trường quốc tế những yêu cầu về bao bì, thiết kế, kiểu dáng sản phẩm ra làm sao… ở các chủ thể OCOP còn thiếu.

Do đó, hoạt động kết nối cực kỳ quan trọng đối với các sản phẩm OCOP. Trong đó, thông qua hội chợ, triển lãm, sẽ mang đến hình ảnh các sản phẩm OCOP của mỗi vùng miền, mỗi địa phương đến tay người tiêu dùng, thị trường. Qua đó nâng cao được nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, chất lượng OCOP và cả các thương hiệu sản phẩm OCOP.

Trong bối cảnh tình trạng nông sản sản xuất ra chưa theo kịp tín hiệu thị trường; thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường; cơ chế chưa hấp dẫn, nên khó thu hút được các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia kinh doanh nông sản;…. Yêu cầu cấp bách để tăng tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung, sản phâm OCOP nói riêng cho doanh nghiệp và hợp tác xã đó là sự “chuyển mình” về mặt liên kết vùng.

Để làm được điều này, các chuyên gia nhận định, rất cần tăng cường nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguốn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng thương mại, tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng. Các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả. Việc triển khai chương trình vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa tạo điều kiện để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ với nông dân, qua đó giúp nông dân yên tâm sản xuất khi đầu ra tiêu thụ ổn định.

Nguồn CÔNG THƯƠNG

Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo