Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

Tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu

Sáng 14/3, tại TP Bảo Lộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, cùng với sự tham dự của lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo UBND TP Bảo Lộc và các huyện: Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông; Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thành; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở đóng gói, nông hộ có mã vùng trồng xuất khẩu.

Năm 2023, tổng diện tích sầu riêng toàn tỉnh 20.363,5 ha; diện tích trồng thuần 12.649 ha, trong đó có 9.121 ha ở giai đoạn kinh doanh; diện tích trồng xen 7.714,5 ha, trong đó 1.723 ha ở giai đoạn kinh doanh. Tổng sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt 123.974 tấn.

Vùng trồng sầu riêng tập trung nhiều nhất tại các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Tẻh với tổng diện tích 13.965 ha, sản lượng 84.298 tấn (chiếm 68,6% về diện tích và 68% về tổng sản lượng sầu riêng của tỉnh). Diện tích sầu riêng ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm đạt trên 7.000 ha; chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 500 ha. Năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai 300 ha, cơ cấu giống sầu riêng chủ lực là các giống Dona, Ri 6.

Công tác cập nhật nhật ký điện tử đã được triển khai đến các vùng trồng và cơ sở thông qua tập huấn, hướng dẫn trực tiếp và các văn bản chỉ đạo. Việc nhập nhật ký điện tử giúp các vùng trồng, cơ sở đóng gói kiểm soát chặt chẽ cùng như truy xuất dữ liệu logic. Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã kiểm tra trực tuyến cho 98 mã số vùng trồng/3.341,9 ha và 5 cơ sơ sở đóng gói đảm bảo thời gian và tiến độ; các chủ thể vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện kiểm tra theo đúng quy định và đạt hiệu quả cao. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 114 vùng trồng sầu riêng với diện tích 5.489,13 ha (chiếm 60,2% tổng diện tích kinh doanh trồng thuần) và 10 cơ sở đóng gói sầu riêng với tổng diện tích nhà xưởng 13.419 m2.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến lo ngại, tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong các lô hàng xuất khẩu, không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt. Yếu tố này sẽ đối mặt với nguy cơ bị thu hồi và cũng đồng nghĩa với việc đánh mất lợi thế xuất khẩu chính ngạch nông sản vào những thị trường có giá trị cao.

Môt số lãnh đạo địa phương và chủ thể vùng trồng phát biểu tại Hội nghị

Cùng quan điểm trên, ông Đinh Hoàng Thiện – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ chứng nhận và kiểm nghiệm các tiêu chuẩn hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài nhận định vấn đề nêu trên một cách sâu sắc rằng để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới, các nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân thủ các quy định kỹ thuật (tiêu chuẩn bắt buộc) do thị trường đích (quốc gia nhập khẩu) thiết lập và quy định nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Các quy định này thường khác nhau, phụ thuộc vào loại sản phẩm, nước nhập khẩu và nước xuất khẩu. Một số quy định được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế, trong khi một số khác do mỗi quốc gia. Việc không tuân thủ các qui định này sẽ dẫn tới việc phải kiểm dịch hoặc bị nước nhập khẩu từ chối nhập khẩu.

Ông Đinh Hoàng Thiện – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NHONHO tham luận tại hội nghị

Kết luận tại Hội nghị, ông Hoàng Sỹ Bích – Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Sở sẽ có kiến nghị, đề xuất Cục Bảo vệ thực vật tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ ban hành các quy định xử phạt vị phạm hành chính về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu. Ông cũng đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Nông nghiệp các huyện, chủ thể các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh các nội dung cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo