Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

Phát triển bền vững và quảng bá sâm nam núi Dành bằng chuỗi liên kết

Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang xác định phải xây dựng các chuỗi liên kết để quảng bá thương hiệu cũng như phát triển bền vững giống dược liệu quý sâm nam núi Dành.

Empty

Những vườn sâm bạt ngàn ở khu vực chân núi Dành. Ảnh: Tùng Đinh.

Sâm nam núi Dành là loài dây leo mảnh, yếu, thường nằm bò trên mặt đất hoặc phải tựa, cuốn theo cành lá cây khác để vươn lên. Củ sâm có lớp vỏ bên ngoài hơi cứng, bên trong lõi màu vàng nhạt, mùi thơm dịu, vị hơi ngọt...

Năm 2015, Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) thực hiện đề tài "Nghiên cứu đánh giá bảo tồn nguồn gen cây sâm núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang".

Qua nghiên cứu cho thấy, nhóm chất chính trong sâm nam núi Dành là saponin, flavonoid (hoạt chất chống lão hóa) acid hữu cơ, acid amin. Trong đó, hàm lượng saponin của sâm núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc. Đến nay, sâm Nam núi Dành đang dần trở thành loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao.

Hiệu quả kinh tế từ hoa đến củ

Từ trước năm 2021, trên diện tích gần 3ha, ông Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế chỉ trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi. Vậy nhưng những loại cây trồng này đều kém hiệu quả và phát triển không được như kỳ vọng.

Do đó, đến năm 2021, ông Nghĩa mạnh dạn chặt bỏ và chuyển sang trồng sâm nam núi Dành. Theo đúng chu kỳ thì thu hoạch củ phải mất thời gian 5 năm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó thì mỗi năm đều cho 1 vụ thu hoạch hoa sâm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Nghĩa, từ khi trồng đến lúc thu hoạch củ có thể đã trải qua 4 - 5 vụ hoa, nếu mọi điều thuận lợi thì chỉ số hoa sâm này cũng đủ giúp người trồng thu hồi vốn.

“Theo tính toán của tôi, nếu thuận buồm xuôi gió thì giá trị mà sâm nam núi Dành mang lại có thể cao gấp 5 - 7 lần các cây trồng khác”, chủ nhân của 3ha sâm ở huyện Yên Thế chia sẻ.

Theo đó, nếu trồng 1ha bạch đàn, tất nhiên là chăm sóc ít hơn nhưng sau 5 năm chỉ thu được lợi nhuận khoảng 200 triệu. Trong khi trồng sâm nam núi Dành, đầu tư có thể cao hơn cả chục lần nhưng sau 5 năm, mỗi ha có thể thu về 8 tấn củ, với mức giá bao tiêu đầu ra thấp nhất là 600.000 đồng/kg thì số tiền bán củ sẽ được khoảng 4,8 tỷ đồng.

“Trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc khoảng 1,8 tỷ đồng thì sau 5 năm, 1ha sâm nam núi Dành có thể đem về lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng, hạch toán kinh tế cho thấy giá trị cao gấp nhiều lần so với các loại cây khác”, ông Nghĩa khẳng định.

Empty

Sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Giang của HTX sản xuất, tiêu thụ sâm nam núi Dành. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong khi đó, gia đình ông Thân Hải Đăng ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập, huyện Tân Yên lại đang sở hữu vườn sâm có cây sâm tổ. Ông Đăng hiện là Giám đốc HTX sản xuất, tiêu thụ sâm nam núi Dành, tỉnh Bắc Giang.

Dẫn chúng tôi ra vườn sâm, chỉ tay vào gốc sâm tổ có tuổi đời gần 70 năm, ông Đăng nói gốc sâm này là do bà ngoại cùng mẹ ông lên núi Dành đào mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo, khi đó cây nhỏ không bán được thì mẹ lại mang về trồng tại vườn nhà.

Từ đó, ông cùng các anh em trong nhà được bố mẹ nhắc đến cây sâm quý, khi có trẻ con nóng sốt hay bị nhiệt thì đào củ sâm lên sao uống cho mát, bệnh sẽ dần khỏi mà không cần dùng thuốc. Hàng xóm xung quanh cũng thỉnh thoảng sang xin, bố mẹ ông lại đào cho.

Đến năm 2008, tình cờ đọc một bài báo với tựa đề "Củ sâm Nam từng tiến vua tái xuất ở vùng đất thiêng" có hình ảnh về loại sâm của nhà ông nhưng bên cạnh lại là một người khác nên ông liên hệ trực tiếp với tác giả bài báo để đính chính thông tin, trình bày về gốc sâm tổ lâu đời tại vườn nhà mình và mời tác giả trực tiếp về tham quan, tìm hiểu. Từ đây, cây sâm nam quý hiếm được nhiều người biết đến.

Cũng từ đó, ông Đăng cùng mọi người trong gia đình tìm cách nhân giống và bảo tồn cây sâm quý hiếm này. Cách nhân giống sâm cũng đơn giản, chỉ cần lấy đất bọc vào nhánh cây sâm, sau một thời gian nhánh cây mọc rễ thì cắt ra đem xuống trồng bình thường, cứ như vậy, sẽ có những cây sâm con.

Ông cho biết, sâm nam núi Dành leo bò như khoai lang, sinh trưởng chậm, chăm sóc khá đơn giản. Củ ở những cây sâm 1 - 2 năm tuổi chỉ to bằng ngón tay út người trưởng thành, ngoài 5 năm tuổi, sâm mới cho củ chất lượng và sử dụng được.

Empty

Cây sâm tổ cao quá đầu người trong vườn nhà ông Đăng. Ảnh. Tùng Đinh.

Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm núi Dành. Nhằm phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã quy hoạch "Định hướng phát triển sản xuất cây dược liệu từ năm 2021 đến năm 2030", trong đó có quy hoạch phát triển cây sâm núi Dành tại huyện Tân Yên. Đến nay, sản phẩm sâm Nam núi Dành đã được công nhận OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Giang.

Xây dựng chuỗi liên kết

Chia sẻ về loài dược liệu quý của tỉnh, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay sâm nam núi Dành đang từng bước trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc sắc tỉnh Bắc Giang.

“Khi địa phương phát triển đại trà loài sâm, mở rộng mô hình trồng sâm theo chuỗi liên kết, bảo tồn nguồn gen sẽ tạo nhiều cơ hội khởi sắc, phát triển kinh tế địa phương”, ông Thành chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số triển khai dự án để phát triển sản phẩm sâm nam núi Dành, mang lại nhiều sản phẩm được chế biến từ loại nguyên liệu quý.

Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, tổng diện tích sâm nam núi Dành trên địa bàn tỉnh khoảng 100ha, tập trung ở các huyện Tân Yên (71,5ha), Yên Dũng (9ha), Yên Thế (10ha), Lục Nam (5ha), Lục Ngạn (4,5ha)…

Trong đó, huyện Tân Yên đã có Đề án phát triển Sâm Nam núi Dành giai đoạn 2022 - 2027, với những nội dung hỗ trợ như hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, tem nhãn, bao bì; hỗ trợ tập huấn tuyên truyền cho nông dân; hỗ trợ hệ thống tưới tự động cho các mô hình với quy mô 0,5 ha/vùng trở lên.

Ở huyện Yên Thế, chính sách khuyến khích cây dược liệu này là hỗ trợ 60% giống, 50% vật tư (phân bón, thuốc BVTV) cho các mô hình trồng sâm nam Núi Dành.

Empty

Sâm nam núi Dành ngày càng được đầu tư bài bản. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, các sản phẩm được chế biến từ sâm nam núi Dành rất đa dạng, ví dụ như rượu sâm từ củ và hoa; trà hoa sâm; tinh chất sâm thượng hạng Star SaViNa; trà sâm dạng hòa tan; dầu gội Thảo Mộc Sâm; trà Sâm Tây Yên Tử; thuốc viên sáng mắt sâm nam núi Dành; nước uống tăng lực sâm nam núi Dành…

Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng ngành nông nghiệp Bắc Giang cũng xác định để phát triển loài cây này vẫn còn một số khó khăn. Đầu tiên là sâm nam Núi Dành mới được khôi phục, nhân giống bước đầu đưa vào sản xuất, mới xây dựng thương hiệu, người tiêu dùng còn ít biết đến nên khả năng tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, giá trị dinh dưỡng và giá trị dược liệu.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư sản xuất ban đầu rất cao, khoảng 500 - 800 triệu đồng/ha, trong khi đó thời gian cho thu hoạch kéo dài phải trên 5 năm. Chưa kể, sâm nam núi Dành chưa có quyết định công nhận lưu hành giống (theo Luật Trồng trọt).

Do đó, tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ xây dựng hoàn thiện các thủ tục để đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận đặc cách giống; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như các khâu nhân giống (giâm hom, nuôi cấy mô tế bào…); chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; thu hoạch, sơ chế; chế biến sâu các sản phẩm từ củ, hoa, thân cây và lá.

Một giải pháp quan trọng nữa là khuyến khích thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư liên kết với các hộ gia đình, hợp tác xã trong quá trình sản xuất, chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm từ cây sâm nam Núi Dành trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả ổn định và bền vững.

Nguồn NÔNG NGHIỆP

Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo