Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN
Ông Liêm được biết việc cấp Chứng nhận VietGAP là do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và ban hành. Tuy nhiên, khi ông tìm kiếm trên mạng thì thấy rất nhiều công ty nhận làm dịch vụ hỗ trợ cấp Chứng nhận VietGAP.
Ông Liêm hỏi, ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc dán nhãn VietGAP cho rau củ (nơi cấp Giấy chứng nhận VietGAP hay siêu thị hay một đơn vị, một công ty nào khác)? Theo ông Liêm sự việc rau xanh không rõ nguồn gốc, xuất xứ được dán nhãn VietGAP rồi trà trộn vào siêu thị sẽ khiến người tiêu dùng mất niềm tin với sản phẩm có Chứng nhận VietGAP.
Ông đề nghị cơ quan chức năng đưa ra thông tin chính xác về vấn đề này, giúp người tiêu dùng an tâm mua sắm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:
VietGAP là tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt nhằm kiểm soát chất lượng nông sản từ khâu nuôi, trồng đến khi thu hoạch, sơ chế gắn với cơ sở sản xuất và thiết lập các thông tin truy xuất trong sản xuất đến thu hoạch (sản xuất ban đầu).
Trong lĩnh vực trồng trọt các tổ chức chứng nhận VietGAP do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy đăng ký hoạt động chứng nhận theo quy định của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.
Đối với VietGAP chăn nuôi, thủy sản, tổ chức chứng nhận do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định theo quy định của Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Tổ chức chứng nhận phải có nghĩa vụ bảo đảm trình tự, thủ tục đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử lý theo quy định của pháp luật nếu xảy ra vi phạm về kết quả đánh giá sự phù hợp (Khoản 5, 8, Điều 20 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).
Theo đó, tổ chức chứng nhận phải thực hiện đánh giá đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, giám sát sau khi cấp Giấy chứng nhận và xử lý vi phạm (đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận).
Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP phải có trách nhiệm duy trì, cải tiến hệ thống quản lý, quy trình sản xuất... để phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng Giấy chứng nhận, logo, dấu hiệu chứng nhận theo đúng quy định của tổ chức chứng nhận đã cấp Giấy và theo quy định của pháp luật. Nếu vi phạm tùy theo mức độ, sẽ bị đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đã cấp và xử lý vi phạm hành chính.
Vừa qua, báo chí phản ánh về việc rau ngoài chợ được dán tem nhãn VietGAP đưa vào siêu thị, trang thương mại điện tử với giá bán cao gấp 3 đến 4 lần thì cần phải xác định rõ đây là gian lận thương mại, làm giả tem nhãn hàng hoá của các doanh nghiệp phân phối hoặc doanh nghiệp bán lẻ hoặc các cơ sở doanh nghiệp sản xuất được chứng nhận VietGAP hoặc do việc thực hiện đánh giá cấp Giấy chứng nhận, giám sát sau cấp Giấy chứng nhận và xử lý vi phạm của tổ chức chứng nhận từ đó sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, việc này cần sự tham gia, vào cuộc của cơ quan quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành.
Mặt khác, người bán hàng phải có nghĩa vụ kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các tài liệu liên quan đến chất lượng hàng hóa, thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Khoản 2, 3, Điều 16 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nghiêm cấm "mua bán hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng" (Khoản 3, Điều 8 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).
Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đang tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm khi có bằng chứng về các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.