Công ty TNHH Công nghệ NHONHO | Tổ chức KH và CN

Làm vải hữu cơ, đỡ lo về giá

Sản xuất theo hướng hữu cơ, vải thiều quả to, ngọt hơn; tỷ lệ quả rụng sinh lý thấp; năng suất tăng hơn 14%, lại không lo tiêu thụ nhờ được doanh nghiệp bao tiêu.

Hết cảnh chật vật đi bán vải

Đầu tháng 6, những đồi vải chính vụ của HTX Nông nghiệp Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bắt đầu chuyển sang sắc đỏ. Do đã bén rễ ở vùng đất này 30 năm có lẻ nên cây vải ở đây hầu như năm nào cũng được mùa, quả sáng mã, chín muộn và bán giá cao hơn đầu vụ.

Từ năm 2021, HTX được cấp 1 mã số vùng trồng cho 10 ha sản xuất vải theo hướng hữu cơ để xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản. Ông Vương Văn Lợi, Phó Giám đốc HTX phấn khởi cho biết, trồng vải hướng hữu cơ “khỏe hơn”, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người dân không còn bị ám ảnh bởi thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, đồng thời được cam kết bao tiêu đầu ra.

“Toàn bộ diện tích vải canh tác theo hướng hữu cơ đều được bao tiêu, với giá cam kết thu mua 35.000 đ/kg, 90 ha còn lại của HTX sẽ được tiêu thụ ở thị trường nội địa hoặc Trung Quốc. Đã có một số đơn vị đến đặt vấn đề, nhưng chúng tôi vẫn còn theo dõi vào thị trường”, ông Lợi nói.

Tìm đầu ra cho 1.000 tấn vải thiều là điều khiến ông Lợi cùng 16 thành viên HTX Thanh Hải rất băn khoăn. Vải là cây tương đối khó tính, yêu cầu dày công chăm sóc từ lúc hết vụ năm trước đến tận khi thu hoạch. Ngoài những bệnh như sương mai, chảy nhựa, thán thư, bệnh chàm, người dân còn nỗi lo sâu hại, đặc biệt là sâu đục cuống quả.

Không chỉ chăm sóc, tới lúc thu hoạch, người dân còn phải chở từng sọt vải, dọc theo những sườn đồi ngoằn ngoèo chỉ đủ lối cho xe máy chạy tới những điểm thu mua. Hàng trăm tấn vải cứ như thế được gồng gánh về quốc lộ, nhưng không phải lúc nào hàng cũng bán được hết. Thêm vào đó, do di chuyển hàng chục kilomet, vải khó tránh khỏi bị dập, nát; chất lượng, mẫu mã bị ảnh hưởng, kéo theo vấn nạn trừ lùi cân khi giao dịch.

Nói vậy để thấy, việc có xe về tận vườn thu mua là một bước tiến lớn. Những người như ông Lợi chỉ cần “hàng lên xe là nhận tiền”. Nhận thức rõ điều ấy, thành viên trong HTX Thanh Hải bảo nhau, tích cực chuyển dịch theo hướng canh tác hữu cơ. Được cán bộ nông nghiệp tư vấn, hướng dẫn, ông Lợi cùng một số bà con sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh GA-50 của Công ty Cổ phần Tổng công ty Sông Gianh.

“Kết hợp với việc sử dụng tưới tiêu nước chủ động, và các biện pháp kỹ thuật như chăm sóc, đốn tỉa, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại được tiến hành thường xuyên, vải của HTX chúng tôi năm nay ít bị chàm, sáng mã, hứa hẹn một vụ bội thu”, ông Lợi bày tỏ.

Chất lượng, năng suất tăng, mẫu mã đẹp

Anh Nguyễn Văn Hoàn, phụ trách kinh doanh thị trường tỉnh Bắc Giang của Tổng Công ty Sông Gianh chia sẻ, vấn đề lớn nhất khi thuyết phục bà con chuyển hướng theo canh tác hữu cơ là sản lượng, bởi nhiều nông dân cho rằng, sản lượng và đầu ra khó đảm bảo, dễ ảnh hưởng đến thu nhập cuối vụ.

Kết hợp với nhóm cán bộ kỹ thuật tích cực bám sát ruộng vườn và bà con, Sông Gianh đã triển khai một mô hình trình diễn canh tác hữu cơ tại thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn trong giai đoạn vải thiều sau đậu quả vào năm 2021 và năm 2022.

Sau khi phân tích kỹ lưỡng thành phần cơ giới, độ pH và các hàm lượng Nts, Pdt… trong đất, Công ty sử dụng phân bón hữu cơ để kết cấu đất tơi xốp hơn, giúp bộ rễ vải thiều phát triển, đồng thời cải thiện khả năng thoát nước của vườn.

Đến ngày 9/6, lũy kế sản lượng tiêu thụ là 3.938 tấn; giá bán sản phẩm dao động từ 18.000 - 35.000 đ/kg. Sản phẩm vải chín sớm được tiêu thụ chủ yếu lại thị trường nội địa khoảng 2.067 tấn (các tỉnh phía Nam, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc); xuất khẩu khoảng 1.795 tấn (chủ yếu sang thị trường Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn).

Hiện toàn huyện Lục Ngạn có 12.860 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm khoảng 80% diện tích) và 117 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thời gian tới, huyện chủ trương mở rộng diện tích vải thiều canh tác theo thực hành nông nghiệp tốt như: Mở rộng từ 60 - 70 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 20 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, huyện quyết tâm duy trì các vùng sản xuất vải đã được chứng nhận tiêu chuẩn của các xã trọng điểm gồm Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Sơn, Tân Hoa, Thanh Hải, Hộ Đáp và vùng vải thiều xuất khẩu.

 

Xem thêm chương trình đăng ký chứng nhận Organic: Giảm 50% phí tư vấn + Đào tạo chứng nhận Organic năm đầu

Liên Hệ Với Chúng Tôi:
Contact Me on Zalo